Những hình ảnh dung dị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính của tác giả Trần Tuấn tại triển lãm -Ảnh: Việt Dũng
Một buổi sáng mùa đông Hà Nội bình yên đứng ngắm bông bạch trà, kiên nhẫn ngồi làm mẫu cho anh họa sĩ thương binh vẽ chân dung, hay những giọt nước mắt xúc động trong ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng Điện Biên...
Đó là những khoảnh khắc trong số 101 bức ảnh mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn ghi lại được trong hơn 30 năm chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Triển lãm “101 khoảnh khắc về đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” vừa khai mạc chiều 21-12 tại Nhà thông tin - triển lãm (45 Tràng Tiền, Hà Nội).
Bình dị giữa đời thường
Trong cuộc đời làm phóng viên ảnh, có lẽ đối với Trần Tuấn, những bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một số phận đặc biệt hơn cả. Với mỗi bức ảnh, mỗi sự kiện ông đều nhớ nằm lòng. Bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thượng tướng Trần Văn Trà ở TP.HCM ngày 24-3-1996, bức ảnh chụp đại tướng trong lần thứ ba trở về thăm lại Tân Trào... Và còn nhiều bức ảnh khác với những mốc ngày tháng, địa điểm rõ ràng được ghi bên dưới.
Bên cạnh những bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ quân phục quen thuộc còn có rất nhiều những bức ảnh về một vị tướng bình dị giữa đời thường. Người xem cảm thấy thú vị khi bắt gặp hình ảnh tướng Giáp trong bộ đồ thể thao màu xanh tập thể dục buổi sáng hay lúc nằm nghỉ trên chiếc võng mắc dưới rặng tre sau khi đi thăm địa đạo Củ Chi...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Tuấn chia sẻ: “Tôi bắt đầu chụp ảnh tướng Giáp từ năm 1975, với tôi đó là những hình ảnh đẹp nhất của một vị tướng đã đi qua cuộc chiến, rất dung dị. Mỗi bức ảnh đều gắn với một kỷ niệm riêng, đó là những bức ảnh được chụp khi trái tim tôi thật sự rung động. Nhiều lúc tôi không còn nghĩ mình là một phóng viên ảnh đi theo chuyến công tác của đại tướng nữa, tôi chụp ông như đứa con ghi lại hình ảnh của một người cha vậy”...
Người dân đến xem triển lãm ảnh “101 khoảnh khắc về đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp” của tác giả Trần Tuấn - Ảnh: V.Dũng |
Những ấn tượng khó quên
Triển lãm đã thu hút nhiều người, trong đó có những người lính thuộc nhiều thế hệ. Tự nhận mình chỉ là anh lính nhỏ của người “anh Cả”, ông Trần Thái Bình (Hội Khoa học lịch sử Việt Nam) chia sẻ kỷ niệm về lần đầu tiên gặp tướng Giáp. “Đó là hôm tôi đăng ký vào học ở trường quân y đầu tiên vào năm 1946, lúc bấy giờ thủ đô còn hòa bình. Trong ngày khai giảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến.
Đại tướng có dặn chúng tôi: Nên nhớ người bác sĩ quân y vừa phải là người thầy thuốc vừa phải là một chính ủy đấy! - ông Bình rưng rưng kể - Sau này khi làm phó thủ tướng, đại tướng rất hay đến Bộ Khoa học - công nghệ ở số 39 Trần Hưng Đạo họp. Tôi dự rất nhiều buổi nói chuyện của đại tướng, những lời tâm huyết đó khiến tôi xúc động đến tận bây giờ”.
Không ít người bất ngờ khi bắt gặp một người phụ nữ bước vào triển lãm với chiếc túi gắn đầy những bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhiều người gọi vui đó là một triển lãm di động khác về tướng Giáp. Người phụ nữ đó là bà Tiana Thanh Nga - đạo diễn người Mỹ gốc Việt, người từng làm bộ phim From Hollywood to Hanoi. Chỉ từng bức ảnh, chị nói: “Bốn bức ảnh trên túi kể về những khoảnh khắc tôi gặp tướng Giáp trong suốt 20 năm qua. Mỗi tháng, thư ký của tôi thay ảnh một lần nhưng nhân vật trong bức ảnh vẫn là tướng Giáp. Ông như là cha tôi vậy”.
HÀ HƯƠNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 21-12, anh Võ Điện Biên - con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cho biết đây là những bức ảnh đại tướng chưa hề thấy trước đây, dù ông đã đồng ý cho nhà nhiếp ảnh chụp. Sáng nay, chú Huyên (đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý đại tướng) đã mang giấy mời triển lãm và một vài hình ảnh trưng bày vào Bệnh viện 108 cho đại tướng xem. Cũng trong sáng 21-12, đại tướng Phùng Quang Thanh - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng - cùng đoàn đại biểu các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng đã vào thăm và chúc sức khỏe đại tướng nhân dịp 66 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định lòng biết ơn và cảm phục của những người lính Việt Nam qua các thế hệ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tổng tư lệnh đầu tiên, người anh cả của các lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp dù đang mệt và nói không được rõ lời nhưng vẫn rất minh mẫn. Ông xúc động cảm ơn đồng đội, chiến sĩ đã đến thăm nhân ngày lễ thiêng liêng của những người lính. V.H. |
________________
Thiêng liêng hai tiếng “đồng chí”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội - Ảnh: TRẦN TUẤN |
Sáng 21-12, như thường lệ, đại tá Kim Sơn vẫn cùng đồng đội mang một lẵng hoa đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Họ tặng hoa cho bà Đặng Bích Hà và hỏi thăm tình hình sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh Văn của họ.
Đại tá Kim Sơn là một trong số rất ít người hiếm hoi còn lại của Đội Việt Nam giải phóng quân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm tư lệnh. 80 tuổi, ông vẫn rất khỏe mạnh, minh mẫn và đặc biệt trở nên nồng nhiệt nếu có người nói chuyện về đại tướng, người mà như ông nói, ông yêu mến một cách tự nhiên, như lẽ đời nó phải thế.
Đại tá Kim Sơn kể lại: “Tôi gặp anh Văn lần đầu tiên vào ngày 21-4-1945, đó là một ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Khi đó, hội nghị quân sự Bắc kỳ (từ ngày 14 đến 20-4-1945) vừa kết thúc, theo nghị quyết hội nghị, ba cánh quân tập trung tại Định Biên - Định Hóa để thống nhất lại dưới sự chỉ huy của anh Văn thành Việt Nam giải phóng quân.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do anh Đàm Quang Trung dẫn đầu từ Cao Bằng xuống, Cứu quốc quân của anh Chu Văn Tấn từ Bắc Sơn, Võ Nhai sang, Liên lạc cứu quốc quân của anh Song Hào từ Tuyên Quang về. Tôi ở trong đội Cứu quốc quân. Năm ấy tôi 15 tuổi, từ Vĩnh Yên rời gia đình theo cách mạng.
Trước đó, tôi chưa hề biết Võ Nguyên Giáp là ai hay nghe đến tên ông. Chỉ biết hôm ấy sẽ có cấp trên xuống. Tôi thấy anh Chu Văn Tấn đi cùng một người đàn ông khác trông nho nhã như một thầy giáo, quần trắng, áo dài thâm. Chẳng ai nghĩ đó là một người chỉ huy quân sự. Người đàn ông mang băng tang trên mũ. Nhưng lúc nhìn thẳng vào ông ấy, chúng tôi đều thấy rất lạ vì mắt ông rất sáng, giọng miền Trung cũng rất lạ tai nhưng ông ấy nói cực kỳ thuyết phục.
Chúng tôi đã nghe rất mê say về con đường cách mạng, về những cuộc chiến đấu sắp tới. Và chúng tôi gọi nhau là đồng chí, chỉ huy và lính, người Thái, người Tày và người Kinh, trí thức và thợ cày... tất cả đều là đồng chí. Hai tiếng thiêng liêng mà tôi nghe từ anh Văn và nhập tâm từ năm 15 tuổi sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời. Mãi sau tôi mới biết tại hội nghị quân sự Bắc kỳ năm ấy, anh Văn được ông Trường Chinh thông báo về cái chết của chị Quang Thái. Và anh ấy đã đeo băng tang vợ trong cuộc gặp gỡ thống nhất ba lực lượng quân sự đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam bây giờ”.
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn