16:13 ICT Thứ ba, 19/03/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


TIN TỨC - SỰ KIỆN»Chính trị - Xã hội

Dân “chấm điểm” cán bộ công chức

Thứ sáu - 10/05/2013 08:37
Chỉ khi nào thực hiện đồng bộ cơ chế dân “chấm điểm” phục vụ của đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) và kết quả đánh giá của dân là một trong các tiêu chí quyết định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ này, thì lúc đó thái độ phục vụ của CBCC mới thay đổi hoàn toàn từ kiểu hành chính xin - cho sang hành chính phục vụ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - nguyên Tổng thư ký Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, ông Thang Văn Phúc (ảnh) cho biết như vậy khi trao đổi với PV Thanh Niên xoay quanh vấn đề thực thi công vụ của đội ngũ CBCC hiện nay.

 

 
 

 

Dân “chấm điểm” cán bộ công chức

Chừng nào CBCC biết tôn trọng và sợ tiếng nói của dân thì chừng đó dù muốn hay không, họ cũng phải có thái độ phục vụ dân thật tốt, không thể khác

 
 
 

Không xử nghiêm vi phạm, dân sẽ giảm lòng tin

Qua ghi nhận của PV Thanh Niên về thái độ phục vụ của CBCC tại các cơ quan công quyền nhiều địa phương cho thấy, vẫn còn tình trạng cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, máy móc trong giải quyết thủ tục hành chính. Ý kiến ông ra sao?

Trong chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001 - 2010, chúng ta cũng đã đặt mục tiêu phải điều chỉnh các chức năng của bộ máy hành chính nhà nước cho phù hợp yêu cầu quản lý mới; đồng thời phải có một cách tiếp cận mới về nền hành chính theo hướng phục vụ, hiện đại hóa, xuất phát từ triết lý tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mục tiêu đặt ra là vậy, nhưng bây giờ phương thức thể hiện được mục tiêu đó là cả một quá trình phức tạp, đòi hỏi cần có thời gian, vì chuyển từ một nền hành chính xin - cho, cai trị sang nền hành chính phục vụ, sẵn lòng phục vụ dân là cả một cuộc cách mạng về nhận thức cho tới hành động.

Vậy thì, một là phải triệt để đơn giản hóa, cải cách thủ tục đi để anh không sinh sự được, không thể tùy tiện đặt ra quy định khác với các quy định của luật pháp. Hai là phải có những cải cách mạnh mẽ trong việc kiểm soát trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ CBCC, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với dân tại các bộ phận tiếp nhận, xử lý hồ sơ hành chính.

Ông bình luận thế nào trước việc chúng ta có đội ngũ thanh tra công vụ, có đầy đủ ban bệ thanh kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính của CBCC nhưng vẫn xảy ra tình trạng cắt xén giờ công cho việc riêng, la cà quán xá trong giờ làm việc trong khi dân phải xếp hàng chờ giải quyết thủ tục. Phải chăng cơ chế ràng buộc trách nhiệm thanh tra công vụ “có vấn đề”?

Chính xác, chúng ta chưa nghiêm túc thực hiện sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan nhà nước hoặc cơ quan tổ chức được giao trách nhiệm thanh, kiểm tra việc thực thi công vụ của CBCC thuộc phạm vi mình quản lý, hoặc cũng có thể có sự xao nhãng trong việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh, xử lý. Mặt khác, mặc dù thực tế chúng ta cũng bắt đầu áp dụng cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân về thủ tục hành chính cũng như thái độ thực thi công vụ của CBCC nhưng nếu chúng ta không kịp thời xử lý các phản ánh đó, xử lý nghiêm minh những trường hợp cụ thể CBCC gây phiền hà người dân, thì dân sẽ không tin tưởng để phản ánh, kiến nghị nữa.

Lấy ví dụ, việc công chức ăn cắp giờ công như Thanh Niên phản ánh, việc đó chỉ cần quan sát bình thường ai cũng thấy nhưng vì sao thanh tra công vụ không thấy, lãnh đạo cơ quan đơn vị đó không biết. Đó là do cơ chế thanh kiểm tra, kiểm soát cũng như việc tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người dân chưa được coi trọng thực sự, chưa được thực thi một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Nếu lãnh đạo sát sao vào cuộc, xử lý quyết liệt như trường hợp Bí thư tỉnh Quảng Bình vi hành bắt quả tang CBCC ngồi quán nước trong giờ hành chính, hay như Quảng Trị bêu tên các trường hợp “ăn cắp” giờ công gần đây, có chế tài với thanh tra công vụ, lãnh đạo các cơ quan đơn vị khi để xảy ra tình trạng ăn cắp giờ công, thì tôi tin là tình hình sẽ phải khác.

 

Dân “chấm điểm” cán bộ công chức
Người dân "chấm điểm" cán bộ công chức UBND Q.1, TP.HCM - Ảnh: Dũng Việt

Phải để dân "chấm điểm" công chức

Nói về chế tài thì luật CBCC quy định cán bộ liên tiếp 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị thay thế, nhưng thực tế việc sa thải một công chức trong bộ máy của ta không dễ dàng, bằng chứng là biên chế ngày một phình ra nhưng dân kêu vẫn kêu. Ở các nước, họ có thước đo nào để quyết định việc kỷ luật, sa thải một công chức mà chúng ta có thể áp dụng?

Đúng là ở ta, việc thay thế một CBCC là khó thật, vì chúng ta thiếu tiêu chí cụ thể để đánh giá, đo lường được kết quả đầu ra trong thực thi nhiệm vụ của CBCC, trừ trường hợp công chức đó sai phạm, bị kỷ luật rõ ràng, nếu không rất khó sa thải. Ở các nước khác trong khu vực, họ có tiêu chí rất rõ, chẳng hạn nếu công chức bị người dân phản ứng, phàn nàn 3 hay 5 lần thì tùy mức độ, công chức đó sẽ bị giảm lương, không đưa vào vị trí giao tiếp với dân nữa, hoặc nặng hơn thì bị sa thải. Thậm chí, như ở Singapore, Malaysia họ còn dạy công chức cách giao tiếp với dân, từ việc thể hiện nụ cười như thế nào, ứng xử thưa gửi ra sao…

Những cái đó là ứng xử tối thiểu, văn hóa tối thiểu bắt buộc của CBCC, nếu không đáp ứng được thì có thể bị sa thải, thông qua kênh đánh giá phản hồi của người dân nhằm tạo ra công khai minh bạch của nền hành chính phục vụ. Trên cơ sở kênh đánh giá đó, người dân kiểm soát việc thực thi công vụ của CBCC.

Nghĩa là cho đến khi nào chúng ta có cơ chế đồng bộ để người dân có thể chấm điểm CBCC trong phục vụ hành chính và kết quả chấm điểm này sẽ là căn cứ quan trọng để đánh giá, quyết định công việc, mức lương của CBCC, thì lúc đó chúng ta mới có một đội ngũ “công bộc” phục vụ dân thực sự?

Bây giờ chúng ta mới đang làm thí điểm, từ thí điểm đến bắt buộc, từ bắt buộc đến tự giác, sau này không cần bắt buộc nữa thì sẽ thành thói quen tối thiểu trong phục vụ hành chính của CBCC. Cơ chế đánh giá từ bên ngoài của dân rất quan trọng, nhưng muốn làm đồng bộ phải đầu tư sức người, sức của, đã làm thì phải có người kiểm tra, đánh giá, tổng hợp các ý kiến, góp ý của người dân, kết quả chấm điểm của dân đối với từng CBCC và xử lý kết quả ấy. Ngay lập tức chúng ta chưa thể làm hết được mà cần thí điểm để đánh giá hiệu quả trước là vì thế.

Vừa qua, TP.HCM cũng đã áp dụng thí điểm chấm điểm thái độ và trách nhiệm phục vụ của đội ngũ CBCC. Chừng nào CBCC biết tôn trọng và sợ tiếng nói của dân thì chừng đó dù muốn hay không, họ cũng phải có thái độ phục vụ dân thật tốt, không thể khác.

 

TP.HCM nhân rộng mô hình dân “chấm điểm” cán bộ

Q.1, TP.HCM là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM triển khai mô hình dân “chấm điểm” cán bộ, công chức ngay tại trụ sở UBND quận và các phường trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND Q.1 Trần Vĩnh Tuyến, thông qua bảng điện tử lắp đặt tại trụ sở quận và các phường, người dân có thể đánh giá cán bộ, công chức về thái độ (thân thiện hoặc thiếu thân thiện), về cách giải thích (dễ hiểu, khó hiểu, rõ ràng, chưa rõ ràng) hoặc nhận xét chung (hài lòng hoặc không hài lòng) trong quá trình tiếp dân, giải quyết hồ sơ hành chính. “Từ các đánh giá của dân, quận tổng hợp, rút kinh nghiệm để kịp thời chấn chỉnh những mặt hạn chế của cán bộ, công chức. Nhờ đó vấn đề cửa quyền, hách dịch… cũng được khắc phục đáng kể”, ông Tuyến nói.

Trên cơ sở thành công của Q.1, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Thông tin - Truyền thông và Sở Khoa học - Công nghệ xây dựng hoàn chỉnh phần mềm giải quyết thủ tục hành chính, tập huấn cách ứng dụng và nhân rộng mô hình dân “chấm điểm” cán bộ cho 23 quận, huyện còn lại và các sở ngành, trong đó ưu tiên các nơi thường xuyên giải quyết hồ sơ của dân.

Đình Phú

 

Bộ Nội vụ đề nghị xử nghiêm công chức “đi muộn về sớm”

Bộ Nội vụ vừa ban hành Văn bản số 1530 đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức tăng cường quản lý đội ngũ CBCC và người quản lý doanh nghiệp trong việc tuyển dụng, nâng ngạch, chuyển ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp; Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cho thôi giữ chức, miễn nhiệm, từ chức; Thi đua, khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm; Giải quyết thôi việc, nghỉ hưu... Bộ này đồng thời đề nghị các cơ quan, đơn vị trên tăng cường thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về nghĩa vụ, đạo đức, văn hóa giao tiếp của CBCC; những việc CBCC không được làm, các vi phạm về bảo đảm thời gian làm việc, đi muộn về sớm, làm việc riêng trong giờ hành chính, vi phạm quy định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các vi phạm khác trái với thuần phong mỹ tục và quy định của pháp luật; chấn chỉnh và đưa chế độ báo cáo thống kê đội ngũ CBCC và quản lý  hồ sơ CBCC vào nền nếp; bảo đảm các báo cáo thống kê khi gửi về các cấp có thẩm quyền phải chính xác, đầy đủ và đúng thời hạn quy định.

Nguồn tin: TNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: phục vụ
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 363

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 6585

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7115127


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com