Thép đã tôi thế đấy
”Cậu ấm cô chiêu” vào quân ngũ
“5h30 sáng… như mọi khi mình vẫn còn mê man ngủ. Nếu mẹ không đánh thức, mình sẽ nướng mãi đến tận trưa… Nhưng hôm nay nghe chuông báo thức mình phải dậy thật sớm cùng các bạn theo đúng quy định. Vì mình đã vào quân ngũ, làm chiến sĩ đúng nghĩa. Mà mình sợ bị quân đội kỷ luật lắm!”. Vẽ thêm một biểu tượng sợ hãi vui nhộn, trang nhật ký của cô bé học lớp 5 Trần Thị Mỹ Duyên (Đà Nẵng) ghi lại ngày đầu tiên vào quân ngũ. Tất cả các tân binh ùa ra sân khởi động bài thể dục buổi sáng dưới tiếng còi của Chỉ huy trưởng Lữ đoàn công binh 270. Môn học đầu tiên là gấp mền. Không đơn giản một chút nào. Chiếc mền phải vuông thật vuông như cục gạch trên đầu giường. Mới ngày đầu Hưng (Tam Kỳ) lóng ngóng không làm sao cho bốn góc chồng thẳng thớm lên nhau, phải nhiều lần như thế “cái mền mới gần giống cục gạch”, Hưng kể.
Tính kỷ luật là yêu cầu quan trọng đối với tân binh. Ngày đầu tiên đặt chân đến doanh trại Lữ đoàn 270, tất cả đều xa lạ, ngơ ngác, lạ lẫm nhưng cũng đầy thích thú trước bài học đầu tiên về cách sắp xếp nội vụ (chăn, màn, chiếu, gối…). Rồi phải gọi nhau là “đồng chí”, yêu cầu sự phê bình góp ý thẳng thắn với nhau, các chiến sĩ trẻ vào cuộc… Không điện thoại, không máy mp3, không tivi, máy tính, nhiều chiến sĩ đã muốn “đào ngũ”. Nhưng lòng tự ái trẻ tuổi đã giữ chân các chiến sĩ ở lại khi thấy những “cậu ấm cô chiêu” khác đều tuân thủ quân ngũ nghiêm chỉnh. Ăn cũng xếp hàng đợi tới lượt lấy cơm, quần áo lần đầu tiên giặt vắt không ráo nước, những bài thể dục trước ánh mặt trời buổi sáng sớm, những kỷ luật khắt khe… tất cả đều qua mau và mỗi bạn tự cảm nhận sự trưởng thành mỗi ngày của mình. Một chiến sĩ ở tỉnh Bình Định tâm sự: “Mới những ngày đầu mình nhớ nhà kinh khủng, vậy mà không thể nào “email” về một dòng, lại phải cặm cụi viết thư. Nhưng mình cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc, tình yêu thương mà ba mẹ đã dành cho mình lúc còn ở nhà. Bây giờ mình không nhõng nhẽo và nghĩ tới mỗi bản thân mình nữa. Chắc ba mẹ sẽ ngạc nhiên khi mình trở về nhà lắm đây”.
Giã từ gian dối
Đêm. Khu rừng sinh thái Phú Ninh se lạnh. Tiếng côn trùng sục sạo ở đâu đó trên tán cây. Tiểu đội nữ chùn chân… Nhưng phải hành quân về khu lửa trại. Mỗi người mỗi gậy lặng lẽ hành quân trong đêm băng qua những cánh rừng đến khu lửa trại “gặp mặt” như các anh chiến sĩ Bộ đội Cụ Hồ ngày xưa băng rừng lội suối về chiến khu bàn kế hoạch đánh trận. Mồ hôi như tắm, chiến sĩ Hưng hồ hởi: “Vậy là mình đã vượt qua được bản thân, hết sợ bóng đêm, sợ ma. Một điều thật lớn lao với mình”.
Bên ánh lửa trại, các chiến sĩ đã lắng lòng để thực sự chia sẻ cùng nhau những cảm xúc trong lòng mình. Những người bạn ở Huế ít nói, những người bạn Đà Nẵng dạn dĩ, những người bạn gần nhà Quảng Nam cắc cớ hay hỏi, những người bạn Quảng Ngãi ưu tư lo lắng không hoàn thành nhiệm vụ, những người bạn Bình Định chăm chỉ viết thư nhớ nhà… Điều đọng lại sau những ngày hành quân, sau những ngày lăn lê bò toài cùng khẩu AK nặng trịch là những tâm sự thật lòng bên ánh lửa trại. “Giã từ gian dối”, họ biết xin lỗi nhau, biết cảm ơn nhau. Có những trăn trở, suy tư, những nỗi niềm không nói lên lời, có cả những giọt nước mắt lặng thầm trong đêm được các bạn bộc bạch thật lòng.
Mỹ Duyên là chiến sĩ trẻ tuổi nhất đại đội, ngày đầu tiên vào rừng Duyên bị sốt, vậy nhưng vẫn hăng hái cột võng căng lều tránh cơn mưa núi mà không nhờ vả đến người khác. Duyên nói: “Em là con nhà lính rồi, không thể ngại khó khăn gian khổ. Làm lính quen rồi em không muốn về nhà nữa. Hành quân trong rừng mãi cũng được”. Trong ánh lửa tàn, bên ngọn đèn cầy leo lắt giữa cánh rừng, các bạn tịnh tâm cho phút giã từ gian dối, thực sự xúc động bày tỏ cảm xúc cùng nhau. Rất thật lòng, Nguyễn Tùng Khánh (Bình Định) tâm sự: “Trước khi tham gia chương trình, em thấy mình sống có phần ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Bây giờ em cảm thấy mình biết quan tâm và chia sẻ với người khác hơn”.
Kỳ học trưởng thành
Chặng thứ 3, các chiến sĩ bắt đầu hành trình đến với trái tim và tấm lòng nhân ái trong ba ngày sinh hoạt văn hóa văn nghệ, hoạt động xã hội tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung. Trong đêm giao lưu sinh hoạt nhịp cầu chiến sĩ, bên dưới khán đài, mẹ của chiến sĩ Võ Viết Hưng (Tam Kỳ) tự hào: “Nó cứng cỏi đến không ngờ. Học cấp 3 rồi mà thằng bé vẫn còn rụt rè nhút nhát, không cởi mở với ai, mà giờ trông đứng trên sân khấu hát hò giao lưu với bạn bè trông “người lớn” ra hẳn”. Đặc biệt là chương trình đến thăm và giao lưu với Trung tâm Điều dưỡng bệnh nhân tâm thần Quảng Nam đã để lại trong lòng các chiến sĩ những cảm xúc đặc biệt. Và những câu hát chắp nối sẽ còn là những ký ức khó phai trong lòng mỗi chiến sĩ trẻ khi trở về nhà.
Khi ngôn ngữ không diễn đạt được thì âm nhạc lên tiếng. Trong trang nhật ký về những ngày quân ngũ cuối cùng, các bạn viết: “Khi nghe các bệnh nhân tâm thần hát, những con người bi thương không nhận thức cuộc sống đang cuộn chảy quanh mình, chúng ta cảm thấy nỗi khát khao, niềm đam mê ca hát của các bệnh nhân vẫn tràn đầy. Điều đó gieo vào lòng chúng ta không chỉ là sự xúc động, sự thương cảm mà còn là niềm tin yêu mãnh liệt với cuộc sống tươi đẹp này. Hơn 10 ngày, chúng ta được nhiều bài học hơn một kỳ học. Bài học về lòng nhân ái, bài học để giã từ gian dối, bài học về sự cảm thông chia sẻ và giúp đỡ nhau. Dù chỉ đơn giản là gấp giùm nhau chiếc chăn, vắt giùm nhau tấm áo. Đó là bài học giã từ “nệm ấm chăn êm” để trưởng thành”.
Nguồn tin: Báo Quảng Nam
Những tin mới hơn