Người đàn ông phụ trách chị em
Bản Cu Pua của Nót nằm ở một vị trí vừa đắc địa vừa nên thơ, một bên là tuyến quốc lộ 9 kéo thẳng lên tận biên giới với Lào, một bên là dòng sông Đakrông hùng vĩ đang cuồn cuộn chảy… “Bản trước đây thì nghèo, còn hiện nay không nghèo mấy”, Nót bảo vậy. Với 55 hộ, 277 con người, dân bản sống từ đời này qua đời khác một cách yên bình như con nai, con hoẵng trên ngàn vậy thôi.
Năm nay 37 tuổi nhưng chỉ học đến lớp 6, Nót nói dạo trước làm gì có gạo mà đi học. Nhưng may mắn là dù học ít nhưng vốn thông minh, Nót đã biết mặt hết các con chữ, con số, đọc viết vanh vách. Chỉ nhờ vậy thôi mà Nót đã làm đến chức... Chủ tịch Hội Phụ nữ bản Cu Pua.
Gặng hỏi Nót sao đàn ông mà đi phụ trách chị em, anh ngượng ngùng: “Việc chi có lợi và giúp được dân bản thì mình nhận hết. Với lại chưa có hội đàn ông con trai nên phải làm ở hội phụ nữ”.
|
Tiếu lâm là vậy, Nót siêng sắn lắm, việc chi không làm thì thôi chứ đã nhúng tay vào là làm tới cùng, làm quyết liệt. Dân bản Cu Pua vẫn còn chưa hết cười khi nhớ lại cảnh Nót đi đến từng nhà, thủ thỉ với từng chị em, phát cho họ từng viên thuốc tránh thai. Hay có hôm, một mình Nót dẫn theo cả đoàn mấy chục phụ nữ đi lên xã tập huấn học nghề “oai” như một vị tướng dẫn quân ra trận.
Mong suốt đời làm “công bộc”
Có ngày mình xoay như con mòng mòng. Việc mô cũng phải mần vì đã nhận trách nhiệm rồi, không làm thì phụ sự tín nhiệm của bà con... | ||
Hồ Ê Nót khẳng khái | ||
Chủ tịch Hội Phụ nữ thôn chỉ là chức danh đặc biệt nhất và nghe có vẻ buồn cười nhất của Nót, còn có thể kể ra một loạt công việc anh đã, đang đảm nhận như: cán bộ phụ trách y tế thôn bản, cộng tác viên cho tổ chức Plan, trưởng thôn. Thỉnh thoảng anh đi phiên dịch hay đi dạy làm chổi đót (có lẽ do tiếp xúc nhiều với phụ nữ nên Nót rất khéo tay). Có người gọi Nót là thợ đụng là bởi thế.
Một buổi sáng với Nót thật dài, bởi anh phải lần lượt làm các công việc phù hợp với từng chức danh. Lúc thì lục đục lấy máy ảnh ra chụp hình để làm tư liệu, lúc thì đánh vật với đống hồ sơ chứng nhận hộ nghèo, lúc thì đứng ra làm chủ lễ cho đám cưới… “Có ngày mình xoay như con mòng mòng. Việc mô cũng phải mần vì đã nhận trách nhiệm rồi, không làm thì phụ sự tín nhiệm của bà con”, Nót khẳng khái. Dường như đó cũng là tâm niệm đi theo suốt đời làm “công bộc” cho dân bản Cu Pua. Cái gì biết thì Nót làm ngay, cái gì chưa biết thì lại lên gặp cán bộ xã để hỏi cho bằng được. Dân bản quý Nót nên anh bảo gì họ cũng nghe theo, làm theo.
Bà con vào ra nhà Nót cứ như thể là nhà sinh hoạt cộng đồng hay là hội trường của thôn. Ngay từ những đứa trẻ sinh ra ở bản Cu Pua đã phải mang ơn của Nót bởi chính Nót đặt tên cho chúng, rồi viết luôn cả cái giấy khai sinh vì cha mẹ chúng nào có biết chữ.
Chính thế nên vừa rồi không may Nót bị ngã xe, gãy một cái chân, bà con lo lắng đến thăm Nót đông như trẩy hội. Già Trức (sinh năm 1922) vuốt râu cười hà hà: “Họ sợ mất cán bộ có cái bụng tốt đó mà”. Còn Nót thì thật thà: “Giờ trong chân vẫn còn cái ốc vít, năm sau nữa mới lấy ra. Nhưng việc thì mình vẫn làm, khổ là phải đi bộ từ từ, không đi xe máy nữa, sợ lắm”.
Ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Đakrông, không tiếc lời ngợi khen: “Khó có thể phủ nhận công lao của Hồ Ê Nót đối với bản Cu Pua. Dân bản tuy không giàu có gì nhưng đời sống vẫn đang được đổi thay từng ngày. Địa bàn xã còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, không mấy cán bộ cơ sở biết việc như Nót đâu. Chính chúng tôi cũng phải cảm ơn anh ấy”.
Chúng tôi phải chia tay Nót để anh còn kịp thời gian làm nốt các công việc của buổi chiều. Lật đật nhét tất cả giấy tờ, dụng cụ cần thiết vào trong chiếc túi da sờn rách, Nót lại bắt đầu hành trình. Cái dáng hình mảnh khảnh ấy vẫn tập tễnh đi dọc trên quốc lộ 9 dài tít tắp.
Nguồn tin: TPO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn