18:26 ICT Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


NHỊP SỐNG TRẺ

Những thí sinh 'không bao giờ từ bỏ ước mơ'

Thứ hai - 14/07/2014 09:25
Bị liệt phải chống nạng, gặp tai nạn gãy chân nhưng Nguyễn Thị Phúc (Nghệ An) và Hồ Văn Thua (Quảng Trị) vẫn vượt hàng trăm cây số dự thi đại học, theo đuổi ước mơ làm dược sĩ và thầy giáo.

Nguyễn Thị Phúc (18 tuổi, dân tộc Thổ, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) bị bại liệt bẩm sinh do di chứng chất độc da cam nên phải dùng đôi nạng gỗ hỗ trợ.  

Nguyễn Thị Phúc được sinh viên tình nguyện điểm thi THCS Đặng Thai Mai, phường Hưng Phúc (Vinh) hỗ trợ nhiệt tình. Ảnh: Nguyễn Hải.

Năm lên 6 tuổi, thấy Phúc không đi lại được, gia đình mới đưa em đi khám và phát hiện em bị liệt do ảnh hưởng của chất da cam. 

Thấy các bạn đến trường, Phúc khóc đòi bố mẹ cho đi học. Thương con, bố mẹ ngày ngày bế em đến trường làng. Năm lớp 2 em mới lê được vài bước nhưng kêu đau. Bố Phúc đóng một chiếc xe bằng gỗ, ngày ngày đẩy con tới trường.

Vài năm sau, Phúc được một tổ chức từ thiện tặng chiếc xe lăn. Đến cấp 3, việc đi lại trở nên khó khăn hơn khi em học xa nhà 20 cây số. May mắn, em được thầy cô giáo THPT Lê Lợi, huyện Tân Kỳ cho ở trọ trong trường.

Năm lớp 11, em được gia đình đưa đi phẫu thuật chỉnh hình. Nhưng sau ca mổ, đôi chân em không khá hơn mà lại yếu đi. Cũng từ đây để tiện đi lại, Phúc chuyển từ xe lăn sang dùng nạng gỗ. Mỗi buổi đến trường, các bạn cùng lớp thay nhau dìu em lên cầu thang.

Ngày làm hồ sơ dự thi đại học, Phúc băn khoăn không biết chọn ngành nào nên đã nhờ cô giáo chủ nhiệm và các bạn tư vấn. Cuối cùng, em quyết định chọn ngành Dược, hệ cao đẳng trong trường Đại học Y khoa Vinh.

"Em đã nghĩ rất nhiều, sau này mình làm một dược sĩ bán thuốc để bớt phải đi lại", nữ sinh tâm sự và cho biết, trước đó vẫn mơ thi vào công nghệ thông tin nhưng em sợ sau này khó xin việc.

Đánh giá về 3 môn thi khối B vừa kết thúc sáng 10/7, Phúc tự tin đạt khoảng 60%, trong đó môn Hóa tốt hơn cả. Em hy vọng sẽ đủ điểm đỗ vào trường mình đã chọn.

Hai mẹ con Phúc mang theo gần 2 triệu đồng làm lộ phí, ở trọ phòng giá rẻ, ăn uống chắt bóp. Ảnh: Nguyễn Hải.

Chị Nguyễn Thị Hằng (mẹ Phúc) cho biết, gia đình làm nông nghiệp, Phúc là con gái thứ hai trong gia đình có ba chị em. "Con bị tàn tật nhưng không có cách nào chữa trị được nữa. Giờ chỉ mong con thi đỗ để thỏa ước mơ, sau này cháu có việc làm để nuôi sống bản thân là gia đình hạnh phúc lắm rồi", người mẹ 40 tuổi tâm sự.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nghĩa, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 A1 trường THPT Lê Lợi, Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, Phúc rất ham học và được nhiều bạn quý mến, lớp 12 vừa qua em đạt học sinh tiên tiến.

"Hôm làm hồ sơ dự thi đại học, em có trực tiếp hỏi tôi tư vấn mà hai hàng nước mắt tôi tuôn trào không kìm được. Thương em ngoan hiền, tôi có tư vấn cho em thi vào ngành Dược với mong muốn sau này bớt phải vận động đi lại nhiều", cô Nghĩa xúc động khi nói về học trò của mình.

Chàng trai Pakô liệt nửa người mơ làm thầy giáo

Cánh tay trái và một phần cơ thể bị liệt nhưng Hồ Văn Thua (19 tuổi, ở thôn 1, xã Tà Rụt, huyện miền núi ĐăcKrông, Quảng Trị) quyết tâm thi vào đại học để trở thành thầy giáo.

Ngồi xe máy vượt hơn 200 km vào Huế dự thi, Thua dường như kiệt sức bởi hơn một tuần trước, em bị tai nạn giao thông khi băng qua đường. Chân trái vốn đã co quắp nay lại bị gãy.

Nhà nghèo, bố Thua - ông Hồ Văn Bia phải mượn tạm hàng xóm chiếc xe máy để đưa đón con. Mẹ Thua xin ứng tạm số tiền 800.000 đồng từ Hội phụ nữ xã để hai bố con làm lộ phí.

“Không thể để con mình không được học chữ, không được làm thầy giáo, dù có khó khăn thế nào cũng phải cho Thua đi thi đại học cái đã”, ông Hồ Văn Bia, bố Thua tâm sự.

Chàng trai nghị lực đã cùng bố vượt hơn 200 km trên chiếc xe máy cũ mượn của hàng xóm đi thi đại học. Ảnh: Phúc Nguyễn.

Kỳ tuyển sinh đại học này, Thua đăng ký vào ngành Sư phạm Tiểu học của Đại học Sư phạm Huế. “Được làm thầy giáo và truyền đạt kiến thức cho người dân ở quê là mơ ước từ nhỏ, em sẽ không bao giờ từ bỏ dù khó khăn vất vả”, Thua hạ quyết tâm.

Nguồn tin: TPO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9


Hôm nayHôm nay : 1260

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19657

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7128199


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com