Tạo văn hóa đọc cũng như ươm một mầm cây
Một lần nữa, những trăn trở về văn hóa đọc của giới trẻ lại được ba khách mời: Joe (blogger Dâu Tây), bình luận viên bóng đá Anh Ngọc (tác giả Nước Ý - câu chuyện tình của tôi) và á hậu Ngọc Oanh cùng bàn luận.
Trăn trở văn hóa đọc của giới trẻ
“Thư viện thông minh” Buổi thảo luận “Quyển sách thay đổi cuộc đời” là một phần trong khuôn khổ dự án cộng đồng mang tên “Thư viện thông minh”. “Thư viện thông minh” sẽ mang tới 23 trường trung học vùng ven với việc cung cấp các đầu sách hay, trang bị thiết bị điện tử để tra cứu, tìm tư liệu; cung cấp phần mềm quản lý thư viện; đào tạo cán bộ thư viện... |
Blogger Dâu Tây đưa ra một so sánh: doanh thu từ thị trường bia của VN là 5 tỉ USD, của Anh là 15 tỉ USD. Trong khi đó, doanh thu từ sách của Anh là 5 tỉ USD (1/3 doanh thu bia), còn tại VN doanh thu từ thị trường sách chỉ bằng 1% doanh thu từ bia. “Đã thế, sách lậu lại tràn lan. Đó là biểu hiện của kiểu làm ăn chụp giật, phi pháp, vi phạm bản quyền trắng trợn” - bình luận viên Anh Ngọc bổ sung.
Một trở ngại không thể không nhắc đến là sự bùng nổ của mạng xã hội và công cụ tìm kiếm trên Internet. “Đáng buồn là các bạn trẻ dành nhiều thời gian để nói chuyện trên mạng, không đọc cái gì dài quá. Dần dần, mạng xã hội triệt tiêu cả thói quen ra ngoài gặp nhau, dành thời gian cho những mối quan hệ thật và đọc sách. Người Việt hay gặp vấn đề trong ứng xử khi ra nước ngoài mà chủ yếu do họ không chịu đọc, không chịu tiếp cận với văn hóa ứng xử của đất nước mình sắp tới. Nên độ vênh văn hóa sẽ khiến bạn bè nước ngoài có cái nhìn không tốt về chúng ta” - Anh Ngọc chia sẻ. Anh cũng nói về khó khăn của ông bố đang định hướng văn hóa đọc cho con gái. Ông bố “mọt sách” này tập cho con thói quen tra cứu tư liệu từ sách hơn là tìm kiếm qua Google.
Kể lại câu chuyện đọc sách của bản thân từ nhỏ, cách bà nội bày tỏ tình yêu với người cháu thông qua những cuốn sách, một khán giả của buổi thảo luận chia sẻ: Văn hóa đọc phải được ươm mầm như cái cây. Ông bà, bố mẹ phải đọc rồi chia sẻ để con trẻ thấm dần. Trong môi trường đó, các em sẽ quen với việc đọc, tích lũy kiến thức từ sách.
Từ cuốn sách giản dị
Không hẳn là cuốn sách kinh điển đắt tiền, những triết lý đao to búa lớn, các vị khách mời đã tìm thấy cho mình một cuốn sách để từ đó điều chỉnh bản thân và thành công. “Đó là một cuốn sách chỉ có mấy trang giấy tên là Quy luật ngữ pháp mà tôi tìm thấy vào năm thứ 2 đại học. Đọc sách, tôi phát hiện mình đã dùng sai các dấu chấm câu và nghĩ: Chết rồi, mình chưa biết dùng dấu phẩy! Một cuốn sách nhỏ nhưng giúp ích rất nhiều cho công việc viết lách của tôi sau này” - Dâu Tây chia sẻ.
Cuốn sách ấn tượng đầu đời với bình luận viên bóng đá Anh Ngọc đơn giản là cuốn sách dạy về cách phiên âm 26 ngôn ngữ trên thế giới. “Cuốn sách này dành riêng cho các biên tập viên của Thông tấn xã Việt Nam, được xuất bản khoảng năm 1981-1982. Sách rất mỏng và tưởng rất khô khan, nhưng giúp tôi rất nhiều trong công việc một bình luận viên bóng đá, giúp tôi đọc đúng tên từng cầu thủ có mặt trên sân” - Anh Ngọc nói.
Thêm một cuốn sách khác đã gắn bó với cậu bé “mọt sách” bị nhốt trong nhà khi bố mẹ đi làm đến tận lúc đã trở thành một ông bố là Những tấm lòng cao cả. “Tôi đọc nó khi học lớp 5. Đôi lúc tôi thấy những điều trong sách hơi giáo điều hoặc khiên cưỡng nhưng khi trở thành bố, tôi lại thấy những bài học hoàn toàn hợp lý, lúc đó mới thấm thía cách dạy con cái của người cha trong cuốn sách” - anh bộc bạch.
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn