Sáng ngày 30/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo Tiền phong phối hợp với Trường Đại học Lao động Xã hội tổ chức Tọa đàm “Mãi mãi đi theo Người” nhằm tổng kết diễn đàn 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chương trình Tọa đàm “Mãi mãi đi theo Người” được tổ chức có ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục, bồi đắp lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay; đồng thời là hoạt động cụ thể kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn; GS Hoàng Chí Bảo – Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Trần Thanh Lâm – Phó Tổng Biên tập Báo Tiền phong; cùng đại diện các Ban Trung ương Đoàn, các Đoàn trực thuộc và Ban Giám hiệu trường Đại học Lao động Xã hội.
Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc vô vùng quý báu. Trải qua 45 năm, bản Di chúc đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước và đưa nước nhà vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
|
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại buổi Tọa đàm |
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã nhấn mạnh: “Đây là diễn đàn để chúng ta cùng trao đổi về ý nghĩa và giá trị trường tồn từ Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thực hiện Di chúc của Người trong 45 năm qua”.
Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn mong muốn, thông qua Tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến trao đổi có giá trị về lý luận và thực tiễn để góp phần tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước tiếp tục thực hiện có hiệu quả Di chúc thiêng liêng của Người trong thời gian tới.
Tại chương trình, GS Hoàng Chí Bảo đã nói chuyện với hơn 500 thầy cô giáo, đoàn viên thanh niên, sinh viên trường Đại học Lao động Xã hội về hoàn cảnh Bác viết Di chúc, đặc biệt là những nội dung Người căn dặn trước khi về với “thế giới người hiền”.
GS Hoàng Chí Bảo cho biết, Bản Di chúc Người để lại chỉ có 1.000 từ là lời căn dặn của Hồ Chủ tịch đối với chúng ta, là niềm tin của Người vào tương lai dân tộc và tất cả tình cảm của Bác với nhân dân, trong đó có đoàn viên thanh niên.
|
GS Hoàng Chí Bảo nói chuyện với các bạn trẻ trường Đại học Lao động Xã hội |
Để Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thấm nhuần những tình cảm, ước vọng của Người giành cho thể hệ trẻ Việt Nam, GS Hoàng Chí Bảo mong muốn: “Tuổi trẻ chúng ta, con cháu của Bác phải dầy công sức học tập làm theo Bác, có hiểu Bác thì mới làm đúng theo Bác, có thương yêu Bác bao nhiêu thì làm theo Bác những lời dạy của Bác mới có một động lực mãnh liệt từ trong tấm lòng, từ trong trái tim”.
“Tất cả chúng ta nguyện yêu Bác lòng ta trong sáng hơn, để sống đúng hơn, sống tốt hơn, sống đẹp hơn, để mãi mãi xứng đáng với Bác, xứng đáng với dân tộc Việt Nam anh hùng, Đảng Quang Vinh, Bác Hồ vĩ đại”- GS Hoàng Chí Bảo nói.
Tuổi trẻ học ở Bác, làm theo Bác
Trong Di chúc của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn kỹ càng mọi việc đối với Đảng, với nhân dân, trong đó Bác đã dành một phần nói về thanh niên. Người đã căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Thực hiện Di chúc của Người, tuổi trẻ hôm nay đã và đang nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để học tập, rèn luyện và trưởng thành, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, được phân công đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì cũng sẵn lòng cống hiến một cách xứng đáng nhất.
|
Giao lưu với các đại biểu tham dự Tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu và các bạn trẻ đã được giao lưu với các vị khách mời là những người giàu hoài bão, đã nỗ lực không ngừng vươn lên để trở thành điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Đó là, anh Lại Văn Điệp - Giám đốc Cty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, anh là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.
Sinh ra là một đứa trẻ bình thường nhưng anh Điệp không may bị bại liệt từ nhỏ. Dù bị khuyết tật, nhưng anh vẫn cho rằng mình còn may mắn khi vẫn có trí tuệ, đầu óc bình thường. Anh Điệp đã không chấp nhận chỉ là “cục thịt” nằm một chỗ mà gắng tập đi. Từng có những ngày tháng lê lết trên đường nhưng anh đã nỗ lực không ngừng, vượt qua sự khắc nghiệt của số phận trở thành ông chủ của Cty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật. Anh không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giải quyết việc làm, giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Lê Văn Điệp chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã suy ngẫm và thẩm thấu những lời dạy của Bác. Là người khuyết tật, một người khuyết tật nằm liệt giường, liệt chiếu để giấc mơ kiếm được miếng cơm manh áo, cũng là rất to lớn, kỳ vọng ấy đã giúp tôi đi từng nấc và mỗi một đường nấc đó lại là sự phấn đấu chông gai, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn cản trở, nhưng chính những chông gai đó đã giúp tôi phấn đấu học hết được trung học, kiếm được một nghề để có thể tự nuôi sống bản thân và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật nữa. Đó là ước mơ và hoài bão, đó cũng là những điều tôi học được từ Bác”.
Anh Điệp còn cho biết thêm, để có được ngày hôm nay, ý chí tự lực của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết ra đi tìm đường cứu nước chính là bài học cho anh phải có mục đích sống, lý tưởng sống, quyết tâm vượt qua khó khăn để sống có ích và cống hiến cho cộng đồng.
Với Phạm Ngân Giang, lớp trưởng lớp Y1A trường Đại học Y Hà Nội đạt thành tích Huy chương vàng Olympic Hóa học Quốc tế năm 2014. Giang là một trong 15 thí sinh có điểm cao nhất trong số 291 thí sinh đến từ 77 quốc gia.
|
Giao lưu với các thanh niên điển hình tiêu biểu (anh Lại Văn Điệp - Giám đốc Cty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình chia sẻ với các bạn trẻ) |
Chính những câu chuyện về Bác, những lời dạy của Bác mà Giang được học từ khi còn nhỏ đã càng thôi thúc Giang phải học tập, nỗ lực để làm rạng danh Tổ quốc.
“Học ở Bác đã giúp tôi đeo đuổi niềm đam mê để đạt cho được con đường mình theo đuổi. Học ở Bác còn làm cho tôi thấy yêu Tổ quốc hơn, trách nhiệm hơn trong việc học tập, rèn luyện, phấn đấu để được làm rạng danh cho Tổ quốc Việt Nam” – Ngân Giang nói.
Tâm đắc với mong muốn của Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Thượng úy Khuất Sơn Tùng - Trợ lý Ban Thanh niên trường Sỹ quan lục quân I cho rằng, việc học và làm theo bác không có gì quá khó, chỉ cần khi đã thấu hiểu, thấu cảm thì việc làm theo Bác sẽ diễn ra một cách thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày.
“Mỗi đoàn viên thanh niên hãy cố gắng thực hiện theo nguyện vọng của Bác, ra sức phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và tiến bộ mãi để xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng ta” - Sơn Tùng đề nghị.
Trao đổi về cách thức học tập và làm theo Bác, Khuất Sơn Tùng chia sẻ: “Trước hết, chúng ta cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ của bản thân mình. Bản thân tôi, tôi tâm niệm rằng, học tập theo Bác là ta phải thực hiện ngay nhiệm vụ học tập, rèn luyện tại trường. Với tinh thần đó, trong quá trình học tập tại trường tôi cũng đã rất nỗ lực, cố gắng và sau đó tốt nghiệp Thủ khoa của trường sỹ quan Lục quân I. Không dừng lại ở đó, ở từng cương vị công tác chúng ta đều phải hoàn thành tốt. Đó chính là cái thiết thực đưa di chúc của Người vào cuộc sống và đó cũng là cách thiết thực nhất để chúng ta học tập và làm theo Bác”.
45 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương của Bác kính yêu và đến tận ngày hôm nay, các bạn trẻ được sống, lao động, học tập trong môi trường hòa bình, được thừa hưởng những thành quả của sự nghiệp CNH, HĐH và công cuộc đổi mới đất nước, được cống hiến và trưởng thành. Những thuận lợi ấy là hành trang giúp thanh niên vững bước tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.