18:29 ICT Chủ nhật, 22/12/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


THẾ GIỚI

Bánh chưng xanh ở Cuba

Thứ năm - 10/02/2011 09:05
Một góc thành phố La Habana. Ảnh: Bùi Văn

Một góc thành phố La Habana. Ảnh: Bùi Văn

Công việc chiếm mất nhiều thời gian nhất là các khâu chuẩn bị cho nồi bánh chưng xanh. Không nói thì ai cũng biết ở Cuba mọi thứ đều rất khó khăn. Gạo nếp và đậu xanh đều phải gửi từ trong nước sang, hoặc nhờ người bên Mexico mua giúp. (Hà Thu Hoạch, Cuba)

Lại một cái tết nữa đến với chúng tôi, những người đang sống, học tập và công tác tại một hòn đảo xa Việt Nam nửa vòng trái đất. Là một trong số ít người từng học tập và một đôi lần được sang công tác nhiệm kỳ tại Cuba, tôi vẫn nghĩ nơi đây chỉ có nắng và gió biển.

Mùa đông Cuba năm nay rét đậm; có nơi nhiệt độ xuống dưới 2 độ C. Chạy dọc từ đông sang tây, mảnh đất hình con cá sấu này được bao bọc bởi biển là biển. Người dân nơi đây quanh năm chỉ quen với khí hậu ấm áp đến mức khó phân biệt rõ bốn mùa, nên những đợt giá lạnh tràn về từ phương Bắc trở thành một hiện tượng thời tiết bất thường.

Còn chúng tôi, những người con Việt Nam xa Tổ Quốc, lại đang sống trong cái không khí náo nức đầy bận rộn của những ngày giáp Tết. Năm nào cũng vậy, công việc đều đổ dồn vào dịp cuối năm. Ngoài việc phải hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tất cả mọi người, từ nhân viên lái xe đến trưởng cơ quan đại diện đều tất bật cho công tác chuẩn bị đón Tết.

Công việc chiếm mất nhiều thời gian nhất là các khâu chuẩn bị cho nồi bánh chưng xanh. Không nói thì ai cũng biết ở Cuba mọi thứ đều rất khó khăn. Gạo nếp và đậu xanh đều phải gửi từ trong nước sang, hoặc nhờ người bên Mexico mua giúp. Những thứ này nơi đây tuyệt nhiên không có, nhưng ở Mexico thì luôn có sẵn tại chợ San Juan mà dân ta thường gọi là chợ Tàu. Mỗi gói gạo nếp trên 2 kg giá khoảng gần 10 đô la; còn đậu xanh thì đắt hơn, khoảng trên dưới 7 đôla/1 kg.

Vấn đề phức tạp là làm sao chuyển những thứ đó về Cuba. Ít khi mới có người mình từ bên Mexico sang thăm; thường thì gửi theo đoàn từ bên này sang công tác. Bởi thế, gạo nếp và đậu xanh trở thành những thứ “cao lương, mỹ vị” đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống tại quốc đảo này. Gia đình nào gửi mua được cũng cố để dành gói bánh chưng trong dịp Tết, không dám ăn.

Thịt lợn thì không thiếu, luôn có bán tự do ở các chợ nông nghiệp. Giá cả cũng phải chăng, trên 80 peso/1 kg thịt nạc loại bất kỳ (1 USD tương đương 23 peso). Dân bán thịt ở các chợ Cuba không phân biệt thịt nạc thăn, nạc vai hay mông sấn, mà bán đồng loạt theo giá qui định 40 peso/một libra (1 kg = 2,2 libra) đối với loại thịt nạc không xương, hoặc 25 peso/libra đối với thịt dọi.

Có gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, nhưng vẫn còn thiếu hai thứ nếu không có chúng sẽ khó tạo ra được chiếc bánh chưng. Đó là lạt giang và lá dong. Để có lạt và lá, chúng tôi phải đi khoảng vài chục cây số ra vùng ngoại ô La Habana và không quên mang theo dăm ba lọ cao Sao Vàng để làm công tác “ngoại giao” với mấy bác bảo vệ khu công viên và vườn bách thảo. Đây là khu vực có nhiều tre và loại cây có lá giống như lá dong.

Tre thì ít khi phải xin phép, cứ đánh xe vào sâu trong công viên, tìm những cây nào thân thẳng, gióng dài, vừa đủ lá là hạ xuống. Sau đó chặt bỏ ngọn, các nhánh và cưa thành từng đoạn ngắn rồi cho vào cốp xe. Lá dong thì phải vào khu Vườn Bách thảo và phải qua một trạm gác bảo vệ. Biết chúng tôi là người Việt Nam, một bác nhân viên tay đeo băng đỏ ra mở cửa và tươi cười mời chúng tôi vào. Sau khi thông báo với Ban lãnh đạo về mục đích chuyến thăm, đoàn chúng tôi được một cán bộ dẫn đường đi sâu vào bên trong, nơi có nhiều khóm cây dạng lá giống lá dong, mọc tua tủa như trăm nghìn ngọn mác đâm lên trời xanh. Chúng tôi chọn những lá xanh, to bản và còn lành nguyên, không quá già nhưng cũng không được quá non để cắt mang về sứ quán, nơi sẽ diễn ra các hoạt động đón mừng xuân Tân Mão của cộng đồng người Việt.

Không khí thật sự nhộn nhịp bắt đầu từ ngoài hai mươi tháng Chạp, khi mọi người, từ trẻ em đến người lớn, tập trung về sứ quán cùng chung tay góp sức cho nồi bánh chưng truyền thống của quê hương. Người lo rửa lá, người chẻ lạt; người đãi đậu, ngâm gạo; người thì xắt thịt ra từng miếng để làm nhân bánh, ai ai cũng chăm chút với phần việc mình được phân công. Các cháu con cán bộ, nhân viên thì lo tập kết đủ củi vào vị trí quy định; nhiều sinh viên tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần cũng vào giúp sức các bác, các cô, các chú. Và cuối cùng, nồi bánh chưng cộng đồng cũng bùng lên ánh lửa trong tiếng reo hò, vỗ tay hoan hô của mấy cháu nhỏ, được cha mẹ cho đi cùng để tận hưởng cái không khí ngập tràn niềm vui ngày Tết cổ truyền dân tộc.

Tuy nhiên, các cháu còn quá ít tuổi để có thể hiểu rõ về cội nguồn của chiếc bánh chưng, về truyền thuyết cha ông ngàn đời kết tinh kinh nghiệm nhằm tạo ra một sản phẩm dân tộc độc đáo để lại muôn đời cho con cháu mai sau. Các cháu cũng chưa thể hiểu trong cái vị đậm đà của hương gạo nếp, cái vị ngọt bùi của nhân đậu xanh, cái chất béo ngậy của nhân thịt lợn, và cả cái mùi thơm thoang thoảng của lạt giang, lá dong là biết bao công sức, mồ hôi của ông cha, của các bác nông dân hai sương một nắng, ngày đêm vất vả chốn thôn quê.

Đất nước đang vào xuân, chắc chắn ngày mai các cháu sẽ được tận hưởng cái hương vị đặc biệt của chiếc bánh chưng Việt Nam truyền thống, sau khi cha mẹ, các bác, các cô, các chú dâng lên bàn thờ Tổ Quốc, nơi có chân dung Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Và hy vọng từ nơi đây, tại miền đất Cuba giàu truyền thống đấu tranh giành và giữ nước, một địa danh cách Việt Nam nửa vòng trái đất, chiếc bánh chưng xanh sẽ là bài học vỡ lòng đầu tiên để các cháu vững bước vào đời, trở thành những mầm non tương lai, những vị Vua Hùng của thế kỷ 21, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng hùng mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 5


Hôm nayHôm nay : 790

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 38972

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7752162


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com