Ông Vũ Đăng Minh, quyền Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ - Ảnh: Chinhphu.vn
PV: Theo Dự án, sẽ có khoảng 600 người lấy từ nguồn trí thức trẻ tình nguyện và chỉ có 44 người khác lấy từ chính nguồn công chức của tỉnh, huyện đó về làm Phó Chủ tịch UBND xã nghèo. Xin ông cho biết vì sao lại có cơ cấu số lượng như vậy?
Ông Vũ Đăng Minh: Hiện nay có 894 xã thuộc 62 huyện nghèo, trong đó chỉ còn có 644 xã chưa bố trí 2 Phó Chủ tịch, 600 là con số tròn, 44 vị trí còn lại là tăng cường từ nguồn công chức của tỉnh, huyện về theo cơ chế luân chuyển cán bộ.
Việc luân chuyển cán bộ là công việc thường xuyên của địa phương và sẽ sử dụng kinh phí của địa phương để thực hiện. Còn lại 600 trí thức trẻ thuộc phạm vi dự án, trong Quyết định 08/2011/QĐ-TTg đã có phụ lục rất cụ thể.
PV: Việc tăng cường nguồn cán bộ trẻ cho các xã đã tính đến một số trường hợp như đối tượng không phù hợp với tính chất công việc, hoặc không đủ khả năng thực hiện chức trách Phó Chủ tịch UBND xã, hoặc trong quá trình làm việc mới nảy sinh bất cập cần phải điều chỉnh vị trí công tác… không thưa ông ?
Ông Vũ Đăng Minh: Chúng ta phải chọn được 600 trí thức trẻ đáp ứng được yêu cầu của Dự án, ưu tiên cho công việc.
Dự án cũng lường trước những rủi ro phát sinh trong thực tiễn như: hoàn cảnh gia đình, vi phạm những quy định không cho phép, "đứt gánh giữa đường", sa ngã... Trong thời gian đó, chúng ta phải đặt ra nhiều tình huống giải quyết, như tiếp tục tuyển chọn, tăng cường, bổ sung cán bộ, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, giải quyết khách quan.
PV: Cũng có người e ngại, nếu địa phương có tính cục bộ, điều này sẽ là rào cản đối với vị Phó Chủ tịch UBND xã mới. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
Ông Vũ Đăng Minh: Cái chúng tôi đang đi tìm chính là câu hỏi của các bạn. Nếu như các bạn về cơ sở ngoài kiến thức học trong trường, kinh nghiệm trong cuộc sống, công tác dân vận đòi hỏi phải có 1 phương pháp tiếp cận vấn đề làm lãnh đạo. Các bạn trẻ phải hiểu rằng đây là tập làm lãnh đạo, muốn làm lãnh đạo phải có phương pháp tập hợp được quần chúng, thu phục được quần chúng. Thu phục theo tôi không phải bằng lời nói mà là bằng công việc, bằng tinh thần thái độ của mình. Các bạn phải vào cuộc bằng chính tinh thần cầu thị của mình, bằng chính công việc của các bạn.
PV: Có 1 sinh viên trẻ viết trong thư rằng: “Tôi viết lá thư này không phải để xin quyền lực địa vị mà chỉ mong có 1 vị trí có đủ quyền hạn để có thể làm những việc hữu ích đóng góp cho đất nước”. Ông nghĩ sao về nhiệt huyết trẻ với hiệu quả Dự án này?
Ông Vũ Đăng Minh: Tôi rất trân trọng và cảm kích trước bức thư của bạn trẻ này, bạn chính là người trả lời câu hỏi cho Dự án này của chúng tôi. Chúng tôi đang làm cơ chế tạo điều kiện cho các bạn được trải nghiệm mình, được thử sức mình. Dự án này có 600 vị trí để các bạn thực hiện ước mơ và hoài bão của mình, đây chính là cơ chế.
PV: Hiện đã có số lượng sinh viên, thanh niên, trí thức trẻ quan tâm, tìm hiểu và có nhu cầu liên hệ để đăng ký tham gia Dự án này chưa, thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Quyết định 08/2011/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/3/2011, về nguyên tắc là từ ngày này chúng ta mới được đưa các trí thức trẻ về cơ sở.
Hiện nay Vụ Công tác thanh niên đang xây dựng 1 kế hoạch cụ thể, chi tiết trong việc triển khai nhiệm vụ này. Theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, việc triển khai Dự án sẽ theo hướng đồng pha với nhiệm kỳ của HĐND các cấp 2011-2016, các trí thức trẻ được đưa về xã và thực hiện theo nhiệm kỳ của HĐND.
PV: Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai thí điểm ngay trong năm nay với việc tuyển 100 trí thức trẻ đưa về 5 tỉnh (Cao Bằng, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Ngãi và Kon Tum). Ông có thể cho biết, công tác triển khai ở 5 địa phương trên đến thời điểm hiện nay?
Ông Vũ Đăng Minh: Chúng tôi chọn 5 tỉnh làm thí điểm đại diện cho các vùng miền, tuy nhiên trong thực tiễn sau khi Thủ tướng phê duyệt Dự án, đã có nhiều địa phương xin phép được thực hiện ngay không nhất thiết phải làm thí điểm.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc thí điểm để chúng tôi kiểm chứng lại cách thức tổ chức thực hiện, công tác tuyển chọn, công tác về đào tạo bồi dưỡng, cách thức tổ chức đưa trí thức trẻ về xã. Chúng tôi sẽ tuyển chọn song song, tuyển chọn đến đâu chúng tôi đưa về đến đó để phù hợp với nhiệm kỳ với HĐND. Nguyên tắc khẩn trương, quyết liệt nhưng không ào ạt, làm rất thận trọng từng bước, từng khâu.
Chúng tôi xác định 600 trí thức trẻ là thành viên của chúng tôi nằm tại 62 huyện nghèo, do vậy chúng tôi phải thường xuyên chăm lo, động viên, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của họ để tổng hợp kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, giúp họ có điều kiện công tác tốt nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đây là cách triển khai của chúng tôi.
Bộ Nội vụ dự kiến thành lập 1 Ban chỉ đạo gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan để chỉ đạo việc này, vì đây là vấn đề con người, vấn đề tài chính, vấn đề dự án, vấn đề chương trình. Đây là một trong nội hàm của Nghị quyết 30a về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, do vậy phải có sự gắn kết với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Ngoài ra phải có thành viên của Ban Tổ chức Trung ương, Trung ương Đoàn thanh niên với vai trò cơ quan đồng thực hiện dự án này… Trong đó, Vụ Công tác thanh niên là nòng cốt để triển khai Dự án.
PV: Là cơ quan chủ trì, phối hợp triển khai Dự án, xin ông cho biết công tác triển khai đến thời điểm này, kể cả những vấn đề vướng mắc đang đặt ra?
Ông Vũ Đăng Minh: Hiện nay, Vụ Công tác thanh niên đang trong quá trình xây dựng, trình kế hoạch, dự kiến cuối tháng 3 hoàn thành công tác chuẩn bị. Sau đó, tổ chức hội nghị tập huấn và cố gắng kết hợp, lồng ghép với đợt kiểm tra hoặc các hội nghị giao ban bầu cử của các cấp khu vực. Bởi các đồng chí tham gia Hội nghị cũng là những lãnh đạo của UBND và lãnh đạo của ngành Nội vụ để thống nhất cách thức triển khai từ Trung ương đến địa phương. Thực chất không phải tự tỉnh tuyển chọn, tự tỉnh đào tạo rồi đưa về, mà trí thức trẻ là người của Dự án, Bộ Nội vụ sẽ phải lập danh sách từng người một rồi đào tạo sau đó bố trí.
Có thể nói, tại thời điểm này chúng tôi chưa gặp vướng mắc về mặt cơ chế tài chính. Bộ Tài chính rất ủng hộ, tạo mọi điều kiện về kinh phí. Đặc biệt những vấn đề về chế độ, chính sách của trí thức trẻ đã được tính toán đầy đủ và đưa vào nội dung của Dự án. Trí thức trẻ sẽ được nhận lương ngay tại xã mình công tác như các Phó Chủ tịch khác.
PV: Theo tính toán, Dự án này sẽ mang lại những kết quả tiêu biểu như thế nào, trực tiếp là với 894 xã nghèo, thưa ông?
Ông Vũ Đăng Minh: Trước hết là đối với các xã thuộc phạm vi Dự án, số đội viên mà chúng tôi dự kiến sẽ đưa về là những thanh niên ưu tú cùng với bà con "nghiêng đồng đổ nước ra sông". Các bạn trẻ sẽ đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương, nâng cao văn hóa cho đồng bào, thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết 30a và đấy cũng chính là mục tiêu của Dự án.
Hiệu quả mang lại là thay đổi nhận thức của cấp ủy với chính quyền địa phương trong việc nhìn nhận đội ngũ trí thức trẻ của chúng ta khi về cơ sở.
Nếu các bạn trẻ làm tốt thì các bạn chính là những sứ giả để chuyển thông điệp đến cấp ủy, chính quyền địa phương rằng thanh niên ngày nay sẵn sàng xả thân để lập thân, lập nghiệp tại nơi đèo heo hút gió, những nơi khó khăn gian khổ, để trưởng thành và trở thành những cán bộ tin yêu của Đảng và Nhà nước.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Thanh Thủy
Nguồn tin: Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn