Ông Vũ Đăng Minh trả lời câu hỏi của các du học sinh. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Đó là những vấn đề trọng tâm nhất được các du học sinh quan tâm đặt câu hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Sinh viên Việt Nam đang học tập ở ngoài nước với Năm Thanh niên 2011” vừa được Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chiều nay, ngày 22/3/2011.
Hàng trăm đoàn viên thanh niên Việt Nam đang học tập ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Nga, Pháp, Hàn Quốc, Singapore... đã nhiệt tình hưởng ứng.
Tham gia trả lời các câu hỏi của du học sinh có Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước Trương Mạnh Sơn, ông Vũ Đăng Minh - Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ...
Mong được góp sức mình
Một trong những câu hỏi đầu tiên được các bạn du học sinh đặt ra là hướng về Năm Thanh niên. Háo hức muốn được cống hiến công sức của mình, nhóm sinh viên tại Nga sốt sắng hỏi: “Với Năm Thanh niên, Đảng đặt rất nhiều kỳ vọng vào thanh niên nói chung và sinh viên nói riêng. Vậy, đối với các chi hội sinh viên ở ngoài nước, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam có kế hoạch gì?”
Trả lời câu hỏi đầy trách nhiệm và nhiệt huyết này, anh Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khẳng định, Năm Thanh niên là năm của tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có các bạn thanh niên đang học tập, nghiên cứu, công tác tại nước ngoài. Hưởng ứng hoạt động này, chi hội ở nước ngoài cần tiếp tục tập hợp, đoàn kết các bạn thanh niên, làm cầu nối giữa thanh niên với Đảng và Nhà nước, kiến nghị các giải pháp để giúp đỡ hỗ trợ thanh niên Việt Nam ở nước ngoài trong cuộc sống và công tác.
Đề cập tới các vấn đề cụ thể hơn, nhóm đoàn viên, sinh viên đang học tập tại thành phố Tula, Liên Bang Nga chia sẻ, các phong trào hoạt động của các bạn khá sôi nổi cả về học tập và ngoại khóa. Tiêu biểu như năm 2010, nhóm đã tổ chức thành công Festival 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thu hút nhiều bạn bè quốc tế tham gia. Tuy nhiên, do có ít kinh nghiệm nghiệp vụ đoàn nên nhóm gặp khó khăn trong công tác điều hành. Nhóm kiến nghị Trung ương Hội có giải pháp nào giúp đỡ bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đoàn ở xa.
Chia sẻ khó khăn này, anh Vinh cho biết đây là vấn đề mà Hội rất lưu tâm và đang lên kế hoạch bồi dưỡng về các kiến thức kĩ năng công tác đoàn, hội cho các bạn trẻ trước khi đi du học ở nước ngoài.
Khác với nhóm sinh viên tại Nga, các bạn du học sinh tại Lào lại sốt sắng vì chưa được thành lập chi hội sinh viên Việt Nam tại Lào nên chưa biết có những hoạt động nào hưởng ứng Năm Thanh niên. “Chúng tôi rất mong được Trung ương Hội hỗ trợ để thành lập chi hội tại Lào,” nhóm này kiến nghị.
Chung tay kết nối sinh viên Việt toàn cầu
Sau sự kiện động đất và sóng thần tại Nhật Bản thì vấn đề kết nối sinh viên Việt đang du học tại nước ngoài với nhau và với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam ở trong nước cũng được các bạn đặc biệt quan tâm.
Trả lời câu hỏi của bạn Huỳnh Đạo Hoàng Nam, du học sinh tại Nhật Bản về những việc mà Hội đã làm để hỗ trợ sinh viên Việt Nam tại Nhật, anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngay khi thảm họa này xảy ra, Hội đã liên lạc với đại diện Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, kịp thời nắm tình hình và đề nghị Hội này đoàn kết hỗ trợ các du học sinh, tu nghiệp sinh trong vùng gặp nạn. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã quyên góp 400 triệu ủng hộ người dân Nhật và hỗ trợ các sinh viên gặp nạn tại Nhật số tiền 50 triệu đồng.
Du học sinh Việt Nam ở các điểm cầu cũng gửi lời chia sẻ tới các bạn sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản và bày tỏ mong muốn được hỗ trợ các bạn vượt qua khó khăn.
Cùng tâm trạng lo lắng về những rủi ro có thể gặp phải khi đi du học, nhóm du học sinh tại Hàn Quốc chia sẻ, gần đây những xung đột giữa hai miền Triều Tiên đang đẩy lên cao. Đảng và Nhà nước ta đã có những thảo luận về giải pháp nào hay chưa nếu trong trường hợp tình huống xấu xảy ra?
Băn khoăn này của các bạn đã lập tức được ông Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước giải tỏa. Ông Sơn khẳng định, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có lưu học sinh. Nếu tình huống xấu xảy ra, chắc chắn Chính phủ sẽ có chỉ đạo các bộ ban ngành, cơ quan đại diện của ta tại nước sở tại hỗ trợ cho lưu học sinh và công dân Việt Nam, bằng các điều kiện tốt nhất sớm đưa lưu học sinh ra khỏi khu vực chiến tranh và trở về nước.
“Vừa qua Đảng và Nhà nước ta làm rất tốt việc này. Tiêu biểu như khi chiến tranh xảy ở Lybia, chúng ta đã đưa hơn 10.000 lao động ở Lybia về nước an toàn. Khi có động đất ở Sendai - Nhật Bản, chúng ta sớm hỗ trợ du học sinh ra khỏi vùng động đất và nhiếm xạ, trở về Tokyo,” ông Sơn chia sẻ.
Trở về và cống hiến
Vấn đề tìm một công việc phù hợp khi về nước cũng là một chủ đề nóng tại buổi giao lưu trực tuyến. Một du học sinh chia sẻ: “Phần lớn chúng tôi đều muốn về quê hương nhưng sợ khó có cơ hội xin được việc làm đúng chuyên môn.”
Một du học sinh khác cũng phân trần: “Chúng tôi muốn về quê nhưng không biết có chính sách cụ thể nào cho sinh viên khi về nước.”
Trả lời những băn khoăn này, ông Nguyễn Xuân Vang cho biết, nhiều năm qua, Cục đã là cầu nối để giới thiệu các lưu học sinh về làm giảng viên ở các trường đại học hoặc làm việc cho các doanh nghiệp. Cũng có nhiều đơn vị đến Cục đặt vấn đề về việc nhờ tìm giúp ứng cử viên. Vì thế, các du học sinh không nên quá lo ngại vấn đề này.
Chia sẻ thêm, ông Vũ Đăng Minh khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích người Việt đi du học về làm việc trong nước. Các bạn làm tại các công ty tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước đều là đóng góp cho sự phát triển của quê hương.
Ông Minh cũng đề nghị các du học sinh nên thông cảm với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện tại, chưa thể có ngay những cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho việc nghiên cứu những tiến bộ mới về khoa học công nghệ - như ở các nước tiên tiến. Để khắc phục điều này, chúng ta đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các nhà khoa học trong nước hợp tác, ra nước ngoài nghiên cứu và mời các nhà khoa học nước ngoài đến Việt Nam.
Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ, hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đề án chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng. “Chúng tôi hy vọng rằng sau khi đề án này được thông qua, sẽ có những cơ chế, chính sách cụ thể cho việc tuyển dụng, trọng dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng, trong đó có các học sinh, sinh viên của chúng ta đang học tập ở nước ngoài,” ông Minh nói./.
Nguồn tin: VietNam+
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn