Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3: Tôn vinh và chia sẻ
Lặng lẽ tỏa sáng
Cuối năm 2010, TPHCM bắt đầu triển khai mô hình nữ cảnh sát giao thông ở một số tuyến đường trung tâm và cửa ngõ nhằm tăng cường lực lượng điều tiết, ổn định trật tự giao thông. Tại một số giao lộ thường xuyên là điểm nóng về ùn tắc, hình ảnh các “bóng hồng” nghiêm nghị trong những bộ quân phục, tay cầm còi, tay vung gậy nhịp nhàng điều tiết giao thông dần trở nên quen thuộc với người dân TP. Bỏ ngoài tai những lời chọc ghẹo của một số người đi đường vô ý thức, giữa cái nắng, gió và bụi của giao thông TP, các chị vẫn kiên trì làm nhiệm vụ.
Không riêng gì nghề cảnh sát, các nữ y tá, bác sĩ làm việc trong bệnh viện cũng là những tấm gương hy sinh, đóng góp âm thầm cho xã hội. “Y tá hay bác sĩ thì cũng là phụ nữ, ở bệnh viện cống hiến hết mình cho công việc, khi về nhà vẫn là người mẹ, người vợ lo chu toàn cho gia đình”, chị Trang, y tá Khoa Cột sống, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (quận 5), bày tỏ.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến họ, những người phụ nữ, người mẹ, người chị đã âm thầm cống hiến một phần sức lực, hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự bình yên, no ấm cho xã hội.
Minh Kế (quận 12)
*
Khoảng cách bình đẳng giới
Có thể nói những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn. Thế nhưng, bên cạnh sự khẳng định vị thế, sự tôn trọng đối với phụ nữ, vẫn còn không ít khoảng cách, gam màu tối trong thực hiện chủ trương bình đẳng giới.
Kết quả khảo sát cho thấy, phần đông phụ nữ luôn cảm thấy áp lực cuộc sống đè nặng lên đôi vai bởi công việc xã hội lẫn gia đình đã chiếm hết thời gian, sức lực của họ. Hết 8 giờ vàng ngọc ở cơ quan, đơn vị trở về nhà, các chị phải làm thêm công việc nhà từ 8 đến 10 giờ nữa. Để chu toàn việc nhà, chăm lo cho chồng con có bữa cơm dẻo, canh ngọt, nhà cửa sạch sẽ, thông thường đến 22 giờ trở đi chị em mới được nghỉ ngơi. Đến khoảng 5 - 6 giờ sáng, họ phải thức dậy, bắt đầu một ngày mới đầy lo toan, tính toán thời gian thật khéo léo để giải quyết hết việc cơ quan, việc nhà.
Để Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 hàng năm có ý nghĩa thật sự đối với chị em, chúng tôi mong mỏi xã hội, nhất là nam giới hãy thay đổi quan niệm, suy nghĩ và có hành động thiết thực sẻ chia việc nhà, việc nội trợ với phụ nữ thời hiện đại. Có như thế, gánh nặng trên đôi vai của những người mẹ, người vợ sẽ giảm bớt, giúp phụ nữ bớt lo toan và sẽ có thêm thời gian để thư giãn, học hành, phấn đấu và tham gia công tác xã hội nhiều hơn.
Quan tâm, chia sẻ với phụ nữ nhiều hơn
Tôi mới về Việt Nam định cư được vài năm và xin có vài nhận xét về ngày 8-3 ở Việt Nam. So với ở Canada và các nước khác, ngày 8-3 ở Việt Nam, phụ nữ, nhất là ở khu vực thành thị được quan tâm đặc biệt, được nhận nhiều hoa và quà tặng của chồng, con trai, bạn trai lẫn đồng nghiệp. Thật đáng trân trọng vì ngày này nhắc nhở những người đàn ông trong gia đình lẫn xã hội phải quan tâm, chia sẻ với phụ nữ nhiều hơn. Thế nhưng, tôi thấy sự quan tâm này chưa đồng bộ, chưa trở thành ý thức hệ - gắn liền với trách nhiệm sẻ chia, gánh vác bớt việc nhà cho chị em phụ nữ. Trên thực tế, còn có một bộ phận nam giới Việt Nam tự cho mình quyền được làm gì tùy thích, nghĩa là hết giờ làm việc có thể la cà, vui vẻ với bạn bè ở quán nhậu, để mặc vợ ở nhà gánh vác việc nội trợ, chăm sóc con cái. Ở các nước phát triển, nam giới được giáo dục rất kỹ và học sinh nam được giáo dục từ nhỏ về luật bình đẳng giới, nên khi lớn lên đều có ý thức chia sẻ việc nhà, việc nội trợ của phụ nữ.
Vì thế, tôi nghĩ rằng để bình quyền thật sự đến với phụ nữ Việt Nam, từ gia đình đến xã hội phải thay đổi nhận thức, cần giáo dục trẻ em nam biết sẻ chia việc nhà, việc nội trợ đối với mẹ, chị em gái. Tại sao đất nước ta đã phát triển, nhiều phụ nữ đã tiếp cận với môi trường sống hiện đại nhưng vẫn có tư duy chiều chuộng chồng con, ôm việc nhà làm một mình? Điều này dễ dẫn đến sự ỷ lại của cánh đàn ông và kiểu “chồng chúa vợ tôi” sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người con trai. Đến khi có vợ, người con trai cũng duy trì nếp nghĩ rằng việc nội trợ của phụ nữ, không muốn động chân động tay phụ vợ con. Để rồi vì áy náy hay “lương tâm cắn rứt” nên ngày 8-3, nhiều nam giới Việt Nam phải tỏ thái độ “quan tâm đặc biệt” đến quý bà và sẵn sàng chi khoản tiền lớn để bù đắp sự thiệt thòi của họ…
Nguồn tin: SGGP
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn