Trong những ngày qua, các đoàn Thanh tra của Bộ GD- ĐT đã đi khảo sát tình hình tổ chức kì thi của nhiều tỉnh thành trong cả nước và ngay từ ngày 31/5 tức là 2 ngày trước khi kỳ thi diễn ra, hơn 600 thanh tra uỷ quyền đã bắt đầu nhận nhiệm vụ tại hơn 2.000 hội đồng thi trên cả nước.
Ở kì thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp tích cực để hỗ trợ cho thí sinh. Như tỉnh Hội Chữ thập đỏ Thừa Thiên - Huế phối hợp với Sở GD-ĐT huy động đóng góp được khoảng 1.000 suất ăn trưa dành cho học sinh 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới và học sinh một số trường vùng sâu, xa đến dự thi tại TP Huế trong các ngày thi.
Ban chỉ đạo thi tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ban ngành phối hợp với Sở GD-ĐT đưa toàn bộ số thí sinh ở đảo Phú Quý (305 em) về Phan Thiết an toàn và bố trí các điều kiện hỗ trợ để các em dự thi tốt nghiệp; UBND tỉnh Lạng Sơn quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn dự thi…
Để đảm bảo cho kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai thi công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2011 tại TP Buôn Ma Thuột (Đắc Lắk), với sự tham gia của giám đốc các Sở GD-ĐT, đại diện của các vụ, cục liên quan của Bộ GD-ĐT. Một số giải pháp cụ thể trong tổ chức thi đã được thảo luận và thống nhất tại hội nghị.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã lên kế hoạch riêng để phục vụ cho kì thi. Chẳng hạn như, UBND tỉnh Nghệ An ra chỉ thị không tổ chức hội nghị cấp tỉnh trong các ngày thi để huy động các lực lượng hỗ trợ cho công tác tổ chức thi.
UBND TPHCM huy động lực lượng thanh niên xung phong hỗ trợ đảm bảo an toàn cho vận chuyển đề thi đến các HĐCT và bài thi từ các HĐCT về Sở GD-ĐT trong các ngày thi, đồng thời chỉ đạo cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thanh niên tình nguyện xây dựng phương án trực chốt tại các nút giao thông để đảm bảo an toàn, thông suốt trong các ngày thi.
Tổng Công ty Điện lực Hà Nội quyết định không cắt điện cao, trung, hạ thế toàn TP trong thời gian tổ chức thi ở các địa điểm in sao đề thi, chấm thi, phúc khảo, đảm bảo điện phục vụ tổ chức thi an toàn…
Theo giám đốc Sở GD-ĐT Biên Biên thì mặc dù đặt mục tiêu là tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng nhưng sẽ không chạy theo “bệnh thành tích” và cương quyết tổ chức một kì thi thật để đánh giá đúng chất lượng giáo dục của địa phương.
Lãnh đạo Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có những câu hỏi không chỉ kiểm tra kiến thức thuộc lòng mà đòi hỏi thí sinh phải biết liên kết, chọn lọc các phần kiến thức đã học để trả lời câu hỏi. Đề thi cũng sẽ có những câu hỏi mang tính phân hóa mà thường những học sinh có lực học khá, giỏi mới làm được. Tuy nhiên tỉ lệ câu hỏi này sẽ không nhiều, trong một câu hỏi khó cũng có những câu hỏi phụ vừa sức với học sinh trung bình. Để đạt kết quả tốt thi trong khi làm bài thi, thí sinh cần bình tĩnh đọc kỹ đề, biểu điểm từng câu hỏi để nhận định đúng yêu cầu của đề thi, tránh lạc đề, phân bố thời gian hợp lý.
Đề thi gồm phần bắt buộc và phần tự chọn (trừ môn Ngoại ngữ). Thí sinh chỉ được làm một trong 2 phần tự chọn của đề thi, thí sinh làm cả 2 phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm bài làm phần tự chọn của đề thi.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng
Nguồn tin: Dân trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn