Sự cố hạt nhân Nhật không ảnh hưởng đến Việt Nam
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cho biết ngay sau khi có sự cố, Bộ KH&CN đã thành lập một tổ công tác thu thập các thông tin trên các nguồn cung cấp chính thống như cơ quan chức năng của Nhật, đại diện của công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế của Nhật Bản tại Việt Nam cũng như các tổ chức trong IAEA và Hội năng lượng nguyên tử quốc tế để phân tích, có tin thông tin chính xác, kịp thời và đã báo cáo Thủ tướng và các cơ quan chức năng về sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 Nhật Bản.
Theo Bộ KH&CN, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi thuộc quận Futaba, tỉnh Fukushima do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) điều hành. Fukushima I có tổng công suất điện đạt 4,7 GW và là một trong 25 nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Fukushima I gồm 6 lò phản ứng nước sôi (BWR) đang hoạt động.
Các lò phản ứng số 1, 2, 6 do Công ty General Electric (Hoa Kỳ) cung cấp, các lò số 3, 5 của Công ty Toshiba và lò số 4 của Công ty Hitachi (Nhật Bản). Lò phản ứng số 1 của Fukushima I thuộc đời đầu thế hệ II, có công suất khoảng 440 MW, bắt đầu hoạt động từ ngày 26-3-1971. Lò phản ứng số 3 của Fukushima I có công suất khoảng 784 MW bắt đầu hoạt động từ ngày 27-3-1976.
Ngày 11-3-2011, khi xảy ra động đất, các lò phản ứng số 1, 2, 3 của nhà máy Fukushima I đã tự động ngừng hoạt động theo thiết kế. Các lò 4, 5, 6 đã ngừng hoạt động trước khi xảy ra động đất để bảo dưỡng định kỳ theo kế hoạch.
Ngày 12-3-2011 (15g36 theo giờ địa phương), tại Fukushima I đã xảy ra một vụ nổ làm mất mái che và tường tầng 5 (bằng bê tông dày khoảng 15 cm) của nhà lò tổ máy số 1. Đây là vụ nổ do oxy trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt do hiện tượng oxy hóa zirconi (vỏ thanh nhiên liệu). Tuy nhiên, vụ nổ không làm ảnh hưởng đến kết cấu của nhà bảo vệ lò bằng bê tông cốt thép dày trên 1m và lớp thép dày 3cm, thùng lò áp lực bằng thép dày 15cm (nơi chứa nhiên liệu hạt nhân và các thanh điều khiển).
Vào lúc 11g01 ngày 14-3-2011, đã xảy ra vụ nổ khí hydro tại tổ máy số 3. Quá trình diễn biến sự cố nổ ở tổ máy số 3 cũng tương tự như tổ máy số 1. Đến 6 giờ 20 phút ngày 15-3 giờ địa phương (4 giờ 20 phút giờ Việt Nam) đã xảy ra vụ nổ tại tổ máy sổ 2 của nhà máy Fukushima I theo thông báo của các nhà chức trách Nhật Bản và IAEA và sáng ngày 15-3 đã có vụ cháy xảy ra tại tổ máy số 4 của nhà máy Fukushima I.
Theo Bộ KH&CN, nguyên nhân sự cố bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là trận động đất và sóng thần lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản trong vòng hơn một trăm năm qua xảy ra vào ngày 11-3 trong khi hai lò phản ứng số 1 và 3 xảy ra sự cố tại Nhà máy ĐHN Fukushima I thuộc loại lò thế hệ cũ (đời đầu thế hệ thứ II); được thiết kế với khả năng chống động đất ở mức thấp hơn cường độ động đất đã xảy ra.
Thứ hai, khi sự cố xảy ra, các hệ thống dừng lò khẩn cấp của nhà máy Fukushima I đã hoạt động theo đúng chức năng thiết kế. Máy phát điện diesel dự phòng đã hoạt động ngay lập tức sau khi mất điện lưới để cung cấp điện cho hệ thống làm mát khẩn cấp và hoạt động liên tục trong 1 giờ trước khi có sóng thần ập đến làm ngập lụt và hư hại máy phát điện dự phòng.
Ngoài ra, thiết kế của loại lò này không có hệ thống an toàn thụ động, là hệ thống hoàn toàn tự động xử lý khi có sự cố mà không phụ thuộc vào nguồn điện hoặc sự can thiệp của con người. Do đó khi mất điện, hệ thống làm mát khẩn cấp đã không hoạt động được dẫn đến sự cố mất nước, làm tăng nhiệt độ và áp suất vùng hoạt lò phản ứng.
Nguyên nhân vụ nổ tại các tổ máy số 1 và số 3 là do oxy trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt do hiện tượng oxy hóa zirconi (vỏ thanh nhiên liệu), vụ nổ đã phá vỡ phần tường và mái bê tông của nhà lò phản ứng. Đây là các vụ nổ khí hydro. Nguyên nhân nổ ở tổ máy số 2 và số 4 còn đang được điều tra. Các vụ nổ và cháy này chưa ảnh hưởng đến kết cấu các lớp bảo vệ an toàn của lò.
Theo đánh giá của NISA, cho đến nay sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I là ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự cố quốc tế INES, cao nhất là mức 7 (thảm họa Chernoby l ở Liên Xô cũ, năm 1986, được đánh giá ở mức 7; tai nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ, năm 1979, được đánh giá ở mức 5).
Tại cuộc họp báo lãnh đạo Bộ KH&CN cùng lãnh đạo Viện Năng lượng Nguyên tử, lãnh đạo các Cục Năng lượng Nguyên tử, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân khẳng định phóng xạ ở các vùng của Nhật Bản đều thấp và không có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam. Theo TS Đặng Thanh Lương, Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, ngày 15-3, lượng phóng xạ tại Tokyo đo được cao hơn 40 lần bình thường. Theo phía Nhật thì mức này không ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường.
Hiện nay, theo tính toán của các cơ quan khí tượng thì các đám mây phóng xạ bay lên phía Đông Bắc Nhật Bản và có xu hướng bay ra biển, do đó trong đất liền không bị ảnh hưởng nhiều. Phía Việt Nam tính toán đến ngày 18-3 các đám mây phóng xạ vẫn bay như vậy, không có xu hướng bay về hướng VN. Các trạm quan trắc phóng xạ đặt tại Hà Nội cũng không xuất hiện số liệu bất bình thường. Hiện trên lãnh thổ chúng ta chưa có ảnh hưởng từ sự cố nhà máy điện hạt nhân tại Nhật, ông Lương khẳng định.
Tác giả bài viết: MINH QUANG
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn