14:11 ICT Thứ hai, 16/09/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên

Thứ ba - 18/10/2011 16:16
Màu xanh thanh niên tình nguyện (nguồn internet)

Màu xanh thanh niên tình nguyện (nguồn internet)

Trong Di chúc trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
 
Kỷ niệm 55 năm truyền thống Hội LHTN Việt Nam (15-10-1956 - 15-10-2011):
 
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên là hệ thống nhận thức tư duy, quan điểm lý luận của người về những vấn đề quan trọng: Nhìn nhận, đánh giá vai trò, vị trí của thanh niên trong tiến trình lịch sử qua các thời kỳ cách mạng; đường lối nội dung bồi dưỡng, giáo dục - đào tạo thanh niên thành lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; nhiệm vụ công tác thanh niên của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đội dự bị tin cậy của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tiềm năng, vai trò, vị trí to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, luôn tin tưởng và nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển. Ngay từ khi đất nước còn trong đêm đen nô lệ, Người đã nêu tư tưởng: Thức tỉnh thanh niên để đi đến thức tỉnh dân tộc. Vào những năm đầu khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”(1). Người cho rằng sự phát triển trong tương lai của đất nước và tiền đồ vẻ vang của dân tộc nằm trong tay thanh thiếu nhi. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Thanh niên “phải tham gia ý kiến vào công việc của chính phủ, chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự rèn luyện từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác những việc trọng đại của nước nhà”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò của thanh niên trên cả hai bình diện xã hội và mối quan hệ kết nối quá khứ với tương lai không thể tách rời nhau: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(3). Vai trò này vô cùng quan trọng quyết định vận mệnh của dân tộc và của giai cấp công nhân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin và mong đợi ở thanh niên. Người đưa ra dự báo hết sức đúng đắn mà nay đã trở thành hiện thực: “Với một thế hệ thanh niên hăng hái kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”(4).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển và toàn diện. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ, cô độc đối với thanh niên. Bởi theo người, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh họ, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc, trước sao nay vậy. Người nói: cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực.

Trên cơ sở nhìn nhận vai trò quyết định của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng và tương lai của dân tộc, đất nước, Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên. Chính người đã sáng lập, rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Sau khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Nhà nước đề ra các chính sách thanh niên phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, đặc biệt là về mặt giáo dục, đào tạo. Công tác thanh niên mà cơ bản là đào tạo, giáo dục, phát huy thanh niên theo Người là quá trình tác động đồng bộ của các chủ thể từ gia đình, đoàn thể, xã hội cho đến các cấp ủy đảng và chính quyèn. Người đưa ra luận điểm nổi tiếng: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(5). Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho Đảng và dân tộc, Bác còn căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết.

Nội dung bao quát của công tác thanh niên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình thành “lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. “Hồng” theo tư tưởng của Người là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”(6); còn “chuyên” là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự.

Để thực hiện nội dung và mục đích của công tác thanh niên không có cách nào khác là giáo dục và tổ chức thanh niên. Vấn đề quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu là phải tổ chức thanh niên thành lực lượng chính trị hùng hậu chung quanh Đảng. Tổ chức tập hợp thanh niên là điều kiện để giáo dục và ngược lại phải tiến hành đào tạo, giáo dục thanh niên qua tổ chức. Phải kiên trì xây dựng một tổ chức thanh niên cộng sản làm cánh tay và đội hậu bị của Đảng.

Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ II (1956), Người dạy: “Đoàn là cánh tay đắc lực của Đảng để thực hiện những chủ trương, chính sách cách mạng”(7), Người còn căn dặn: “Phải củng cố tổ chức Đoàn, phải đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ và phải đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên”(8). Theo Người, củng cố tổ chức đoàn là điều kiện tiên quyết để mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên. Nhưng muốn củng cố tổ chức đoàn thì trước hết phải “đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ” để thống nhất ý chí và hành động trong nội bộ đoàn, làm cho tổ chức đoàn thật sự là tổ chức của những thanh niên tiên tiến, có lý tưởng cách mạng và phấn đấu kiên định vì lý tưởng đó. Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Người chỉ rõ: “Đoàn thanh niên lao động - phải là cánh tay đắc lực của Đảng trong việc tổ chức và giáo dục các thế hệ thanh niên, nhi đồng thành những chiến sĩ tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(9). Đây là một chức năng hết sức quan trọng của tổ chức đoàn với tư cách là một tổ chức quần chúng gần Đảng nhất mà trong Điều lệ Đảng từ trước đến nay đều ghi rõ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn phải ra sức đoàn kết, tập hợp thanh niên thành một mặt trận rộng lớn. Theo Người, đoàn kết tập hợp thanh niên là mặt công tác lớn, một nhiệm vụ rất quan trọng của Đoàn. Người yêu cầu tổ chức đoàn phải nghiên cứu tìm ra những hình thức và phương pháp thích hợp để đoàn kết và tổ chức thanh niên một cách rộng rãi và vững chắc. Các hình thức và phương pháp đó vừa thu hút rộng rãi thanh niên tham gia nhưng phải được định hướng vững chắc, nghĩa là có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, có tính ổn định và triển vọng phát triển. Theo Người, muốn củng cố và phát triển Đoàn phải liên hệ rộng rãi và chặt chẽ với các tầng lớp thanh niên. Phải quan tâm đến đời sống công tác, học tập của thanh niên và tất cả đoàn viên phải gương mẫu. Trong công tác xây dựng đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn lưu ý về việc phải phát triển đoàn viên về số lượng đồng thời phải coi trọng việc nâng cao chất lượng. Người dạy: Tổ chức Đoàn phải rộng hơn Đảng… cố nhiên khi kết nạp đoàn viên cần phải lựa chọn cẩn trọng những thanh niên tốt.

Là người sáng lập và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bác Hồ luôn chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác đoàn. Người căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, đồng thời: “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương phải chăm sóc hơn nữa đến công tác thanh niên” trong đó vấn đề quan trọng là chăm lo công tác xây dựng đoàn để “phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất coi trọng vai trò của nhà nước trong công tác thanh niên. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Người đã chỉ thị thành lập Bộ Thanh niên rồi Nha Thanh niên trong chính phủ để chăm lo công tác thanh niên. Người căn dặn công tác thanh niên “phải liên hệ với các lực lượng của chính phủ”. Điều này có nghĩa là muốn đưa công tác thanh niên đạt đến kết quả như mong muốn, trước hết Đảng cần tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức sự phối hợp giữa nhiều lực lượng trong đó Chính phủ.

Như vậy, Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên là sự tổng kết lý luận và thực tiễn được nâng lên tầm cao qua các thời kỳ cách mạng, đang và sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta trên con đường xây dựng, tổ chức thanh niên thành lực lượng cách mạng, phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; vì hạnh phúc, tương lai tương sáng của tuổi trẻ.

----------------

(1) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, tr.82, 84.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, HN, tr.29.
(3), (4) Hồ Chí Minh, Sđd, tr.315, 375.  
(5) Hồ Chí Minh tuyển tập, tập II, Nxb Sự thật, 1980, tr.129.
(6), (7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Về giáo dục thanh niên, Nxb Thanh niên, HN, 1980, tr.28, 165, 166.    

Tác giả bài viết: Lê Văn Ri - Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung Số 226 Huỳnh Thúc Kháng, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Nguồn tin: http://xaydungdang.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 14


Hôm nayHôm nay : 671

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 17067

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7578469


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com