09:13 ICT Thứ ba, 19/03/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


TIN TỨC - SỰ KIỆN»Văn hóa - Giáo dục

Không gian nào cho trẻ?

Thứ năm - 02/06/2011 09:21
Sân chơi cho trẻ em - khoảng không gian vô cùng cần thiết khi mùa hè đến. Thế nhưng, với nhiều bậc cha mẹ, mùa hè đem lại không ít nỗi lo vì thiếu sân chơi cho trẻ…
Tổ chức cho học sinh tham gia chương trình hoạt động hè ở Điện Phước, Điện Bàn.

Tổ chức cho học sinh tham gia chương trình hoạt động hè ở Điện Phước, Điện Bàn.

Hè về, trẻ đi đâu?

Mùa hè nào cũng vậy, trẻ em không phải đến trường nên chẳng biết đi đâu khi luôn thiếu điểm vui chơi. TP. Tam Kỳ có một điểm đến luôn quá tải mỗi dịp hè là Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung. Các bậc phụ huynh chọn nơi này là do trẻ được “trông nom” ở đây cả ngày với nhiều chương trình học hấp dẫn từ các lớp bán trú. Mục đích của lớp bồi dưỡng bán trú dành cho thiếu nhi từ 6 đến 10 tuổi là tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh trong việc quản lý, giáo dục con em trong dịp hè. Nội dung học tập, sinh hoạt phong phú, giúp các em ôn tập văn hóa, phát triển năng khiếu và sinh hoạt vui chơi giải trí, tạo tâm lý thoải mái cho thiếu nhi trước khi bước vào năm học mới. Chị Trần Nhật Tín (phường An Mỹ - Tam Kỳ) thở phào: “Nếu không đăng ký được cho con vào lớp học hè này thì chẳng biết tính sao. Dẫn trẻ theo vào cơ quan vừa làm việc vừa trông chừng cũng không được mà để chúng ở nhà một mình cũng không xong”. Khi được hỏi về kế hoạch cho con nghỉ xả hơi trong những tháng hè, chị Tín bộc bạch: “Không riêng gì gia đình tôi mà ai cũng muốn có thời gian, có không gian cho con nhỏ vui chơi. Trẻ con đứa nào mà chẳng thích được vui chơi. Nhưng nhìn lại mà xem, làm gì có nơi nào phù hợp? Tranh thủ một chút mỗi sáng mỗi chiều đưa con đi biển hoặc đưa ra quảng trường thả diều. Để bọn trẻ tụ tập tự bày trò chơi đùa với nhau như cái thời xưa của mình thì cha mẹ nào dám. Thế nên, cho con tiếp tục đi học hè là giải pháp an toàn nhất”.

Cả TP. Tam Kỳ có đến hàng nghìn trẻ em nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có vài điểm vui chơi cho thiếu nhi với những trò đã cũ như tàu chạy, đu bay, xe ngựa, nhà bóng… nên chẳng mấy thu hút được trẻ. Cũng vì không biết gửi con vào đâu nên chị Lê (quê ở Cẩm Nam - Hội An) đành chọn giải pháp gửi 2 cô con gái 10 tuổi và 7 tuổi về quê với bà ngoại. “Ở quê các cháu sẽ an toàn hơn, được sống trong môi trường sạch hơn cả về không gian, quan hệ bạn bè” - chị Lê tâm sự.

Kỳ vọng vào “quân ngũ”

Với các em thiếu nhi, mùa hè phải thực sự là mùa thư giãn, mùa vui, thời gian nghỉ ngơi với các hoạt động hội hè hữu ích. “Học kỳ trong quân đội” có lẽ là chương trình được chờ đợi nhiều nhất sau nhiều năm được tổ chức tại Quảng Nam. Nếu những năm trước chỉ có Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung triển khai thì năm nay tổ chức Đoàn các địa phương như Điện Bàn, TP.Hội An cũng đã bắt đầu “chiêu sinh” khóa học đặc biệt này. Trong 3 tháng hè, do sợ con cái lãng phí thời gian hoặc sa vào các trò chơi điện tử trực tuyến nguy hiểm nên nhiều bậc cha mẹ đã đăng ký cho con em mình đi học thêm các khóa học quân sự nhằm trang bị thêm cho trẻ các kỹ năng cần thiết khác trong cuộc sống. Chị Văn Thu Liệu (thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn) cho biết: “Năm nay ở Điện Bàn có chiêu sinh kỳ học trong quân đội nên tôi rất yên tâm khi đăng ký cho con mình tham gia. Tôi có nghe về chương trình này và biết được sự bổ ích của khóa học. Gia đình tôi cho cháu tham gia khóa huấn luyện với hy vọng cháu sẽ trưởng thành và rắn rỏi hơn”.

alt
Thiếu nhi Hội An chơi kéo co ở bãi biển.

Các bậc cha mẹ đăng ký cho con tham gia vào chương trình “Học kỳ trong quân đội” với hy vọng qua khóa học sẽ đánh thức những tình cảm gia đình, yêu thương cha mẹ trong các em. Lấy môi trường thử thách lạ lẫm trong quân đội làm “chất xúc tác”; lấy việc xa nhà, thiếu vắng vòng tay của bố mẹ làm “động cơ”; dùng những hoạt động thú vị, giúp thỏa mãn khao khát chứng tỏ mình của các em làm “lực hấp dẫn” và dùng sức mạnh tập thể tác động lên từng cá nhân để “phá vỡ vỏ bọc”. Tuy vậy, học phí cho kỳ học này dường như chỉ dành cho những gia đình khá giả, còn đối với trẻ em nông thôn, khoảng vui chơi mùa hè này dường như quá sức cha mẹ.

Hè của em là…

Làm một cuộc điều tra “bỏ túi” với hơn 10 em nhỏ hỏi muốn được làm gì vào mùa hè, bé nào cũng háo hức được đi biển, chuyện đi chơi và thỏa thê đọc truyện tranh. Cậu bé Nguyễn Đình Khôi (lớp 6, trường THCS Lý Tự Trọng, Tam Kỳ) rủ bạn cùng lớp đi cổ vũ trận đấu bóng chuyền của người cao tuổi ở Trung tâm VH-TT thành phố. Khôi nói: “Giờ giải lao thì nhờ các ông tập bóng chuyền cho tụi con. Ngày nào con cũng ra sân tập xem tất cả các trận đấu, rồi mượn bóng của các cụ tập ở ngoài sân nhưng các bạn con không đủ lập một đội bóng, bạn nào cũng bận đi học hè chứ ít được tự do vui chơi như con”. Cũng ngay dưới bóng râm cây xanh cạnh sân bóng, các bé đã tự bày trò chơi dân gian tưởng như đã thất lạc từ lâu như ô ăn quan, nhảy lò cò,... Đông đúc hơn có thể rủ nhau chơi kéo co rồi hẹn hò góp “dây su” ngày mai tụ tập chơi nhảy dây.

alt
Bây giờ rất hiếm gặp hình ảnh trẻ em bày trò chơi dân gian như thế này.

Trong cái nắng nóng của mùa hè, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, bất chấp cả nguy hiểm rình rập, trẻ em cố tìm cho mình những nơi có thể... vui chơi. Một góc nhỏ trong ngõ, thậm chí vỉa hè, lề đường cũng trở thành “sân bóng”. Bởi thế, khi được đưa về quê nội ở thôn 4, Duy Phước (Duy Xuyên) cậu bé Lê Duy Phú đã hồ hởi ra mặt: “Ở quê có nhiều trò chơi như đi bắt chuồn chuồn, đi hái dâu ngoài đồng, bắt cá dưới ruộng, làm diều bằng giấy và vui nhất là có nhiều bạn để chơi, còn ở thành phố không bao giờ có chỗ nào được đi chơi cả ngày”.

Theo các chuyên gia, trẻ nên được tham gia các trò chơi hữu ích, trò chơi dân gian tập thể để qua đó có thể học được kỹ năng hòa đồng, phối hợp cùng đồng đội, rèn luyện thể chất. Các hoạt động ngoại khóa về nhiều lĩnh vực như nội trợ, nghệ thuật, trí tuệ, thể thao… trong dịp hè cũng tạo cho trẻ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, nâng cao kỹ năng sống, biết giao tiếp và hình thành sự tự tin cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Bên cạnh đó, trẻ có thể khám phá thiên nhiên, học hỏi cuộc sống thực tế và sẽ cảm thấy mình trưởng thành hơn khi được độc lập cùng với bạn bè cùng lứa tuổi.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có một mô hình nào tổ chức hoạt động được đánh giá hiệu quả và thực sự thu hút trẻ như một sân chơi bổ ích trong dịp hè. Trung tâm Văn hóa - thiếu nhi có nhiều lớp học như cờ vua, họa, võ… nhưng vẫn là các lớp riêng lẻ, chưa là một chương trình xâu chuỗi, chưa tạo được sức hấp dẫn trẻ, cơ sở vật chất cũ, chật chội, nóng bức và bố mẹ vẫn phải quản con là chính. Đoàn thanh niên cấp cơ sở đã tổ chức hè cho trẻ nhưng chủ yếu là các hoạt động văn nghệ và địa điểm vẫn phải mượn tạm.

Cho nên, phần lớn mùa hè của trẻ vẫn phải: Học là chính.

Tác giả bài viết: TÂM AN

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 168

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 6390

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7114932


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com