Sống là cho đi
- Thứ tư - 24/10/2012 08:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chàng trai tật nguyền làm tình nguyện
“Dù đất nước ngày càng đi lên và phát triển nhưng ở đâu đó trên mọi miền, có những người dân hằng ngày vẫn đói khổ không thoát ra được cảnh đời lam lũ. Ở những nơi ấy, người dân không có một con đường để đi, không một ánh đèn để tìm đến sự văn minh, văn hóa của nhân loại. Ở đó, thiếu những tri thức trẻ về trình độ lẫn sự nhiệt huyết. Tất cả những điều ấy đã khiến tôi suy nghĩ, trăn trở và quyết tâm hoạt động tình nguyện” - Lê Quang Toán, sinh viên Trường ĐH Công nghệ Hà Nội, tâm sự.
Chính vì thế, tuy đôi chân không lành lặn, đi lại khó khăn, nhưng gần 5 năm nay, chàng trai tật nguyền này đã tham gia rất nhiều hoạt động tình nguyện: chương trình Sách cho miền cát trắng của diễn đàn quangbinhonline đến với các học sinh nghèo các xã vùng đệm của Phong Nha Kẻ - Bàng, chương trình Mùa đông ấm nồng ở miền núi rẻo cao của tỉnh Quảng Bình, chương trình Chút tình san sẻ cuối năm đến với những bệnh viện… và hàng trăm hoạt động tình nguyện khác. Có lẽ vậy mà cộng đồng mạng đã vô cùng cảm phục và dành tặng Toán danh hiệu “người sở hữu đôi chân có ý chí còn mạnh mẽ hơn người bình thường”.
Anh tương lai
Đó là tên mà thiếu nhi ở Thừa Thiên-Huế thường gọi Nguyễn Đình Thành (Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên-Huế). Sở dĩ như vậy bởi Thành luôn quan tâm và tâm huyết đến các hoạt động tình nguyện hướng đến người nghèo, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, khuyết tật, luôn mong cho tương lai của trẻ em ngày càng đầy đủ và hạnh phúc.
|
|
|
Thành tâm sự, trẻ em là đối tượng chịu thiệt thòi, khó khăn nên cần sự quan tâm đến xã hội. Vì thế, Thành luôn ý thức bản thân phải thường xuyên có những hành động dù nhỏ nhoi nhưng góp phần giúp cuộc sống của trẻ không may mắn đỡ vất vả hơn. Liên tục nhiều năm vừa qua, Thành cùng Đội Công tác xã hội thanh niên Thừa Thiên-Huế từng tổ chức thành công nhiều chương trình như: Áo ấm mùa đông, Góp nắng xuân, Viên gạch hồng, Đêm hội trăng rằm, Giấc mơ màu xanh… dành cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi.
Chàng trai sinh năm 1987 còn quy tụ hơn 20 CLB, đội, nhóm đang hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của tỉnh qua chương trình Nhịp cầu thanh niên tình nguyện.
Tìm thông tin liệt sĩ
Còn với Ngô Thị Thúy Hằng (Hà Nội), hiện phụ trách trang www.nhantimdongdoi.org - nơi tư vấn và cung cấp thông tin tìm liệt sĩ cho thân nhân liệt sĩ, khớp nối thông tin tìm liệt sĩ, xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến.
Từ năm 2004 đến nay, với những hoạt động âm thầm của mình, Hằng cùng những người bạn đã tổ chức thành công nhiều cuộc găp mặt thân nhân liệt sĩ tại nhiều tỉnh thành. Đã tư vấn cho hơn 15.000 lượt thân nhân liệt sĩ, cung cấp danh sách hơn 800.000 thông tin có liên quan đến nơi hy sinh và trường hợp hy sinh của liệt sĩ và 300.000 thông tin có liên quan đến phần mộ của liệt sĩ đã được quy tập tại 3.000 nghĩa trang liệt sĩ của cả nước…
Hằng còn song hành cùng gia đình liệt sĩ tìm kiếm thông tin và phần mộ của liệt sĩ, giúp họ phần nào bớt đi sự đơn độc, đồng thời giúp thân nhân liệt sĩ rút ngắn thời gian và công sức tìm liệt sĩ. Cộng đồng mạng cho rằng Đài tưởng niệm liệt sĩ Việt Nam trực tuyến mà Hằng đã và đang thực hiện, không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh mà qua đó muốn chuyển tải đến những người đang sống, được sống vì sự hy sinh của liệt sĩ: giá trị của tự do hôm nay là xương máu của hàng triệu thanh niên và sự hy sinh thầm lặng của hàng triệu gia đình liệt sĩ Việt Nam.