Việt - Lào nghĩa trọng tình sâu
- Thứ hai - 28/02/2011 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongsing Thammavong sẽ thăm hữu nghị chính thức nước ta từ 28/2 đến 2/3.
Việc Thủ tướng Thongsing Thammavong chọn Việt Nam là nước thăm chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức Thủ tướng chứng tỏ quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào luôn luôn dược hai nước coi trọng, gìn giữ và phát triển.
Đối với mỗi người dân Việt Nam, cụm từ “nước bạn Lào” dù được nhắc tới ở đâu, khi nào, đều là với tất cả sự trìu mến, chân thành tận đáy lòng. Đối với nhân dân các bộ tộc Lào cũng vậy, hai tiếng Việt Nam cũng đồng nghĩa với sự thủy chung, tin cậy thắm đượm nghĩa tình. Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, trải qua bao nhiêu biến cố của khu vực và thế giới, dẫu xung quanh có bao nhiêu chuyện vật đổi, sao dời, cho đến hôm nay, vẫn sáng trong và vẹn nguyên như ngày nào.
Một quan hệ bang giao mà ý nghĩa và giá trị của nó đã thấm đậm trong tâm tư và chi phối ứng xử của từng người dân bình thường, tất nhiên phải là một mối quan hệ đã vượt lên hẳn khuôn phép ngoại giao thông thường, trở thành một trường hợp đặc biệt, một ví dụ tiêu biểu về tinh thần hữu nghị-nhân văn trong quan hệ quốc tế cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Để có được như vậy, Việt Nam và Lào đã chia sẻ với nhau quá nhiều điều. Hai nước có cùng một mái nhà chung Đông Dương, sông núi nối liền nhau. Hai dân tộc đều có lịch sử đau thương bị ngoại xâm đô hộ, cùng chia sẻ khát vọng độc lập, tự do, dân chủ, công bằng và giàu mạnh. Vì thế mà người Việt Nam và người Lào đã cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung. Vì thế mà chúng ta đã cùng chia sẻ những điều thiêng liêng nhất là máu, nước mắt của bao thế hệ, và cả những điều rất đỗi đời thường là từng gùi muối, tải gạo hay từng manh áo, cây kim, sợi chỉ… Quá khứ ấy đã được dệt nên bởi bao nhiêu câu chuyện cảm động về tình nghĩa Việt – Lào được ghi lại qua báo chí, văn chương, âm nhạc và hội họa, chiếm vị trí trang trọng trong ký ức của hai dân tộc.
Để có được như vậy, nhân dân hai nước luôn nhớ công lao đặt nền móng kết tình anh em - đồng chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông. Tình cảm chân thành và thái độ tôn trọng dành cho nhau của hai vị lãnh tụ là tấm gương sáng để các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước noi theo, cùng nhau làm những điều tốt đẹp nhất trong phạm vi khả năng và chức phận của mình để vun đắp và gìn giữ.
Quan hệ Việt - Lào đặc biệt vì đã được chứng minh và thử thách qua thời gian. Quan hệ này đặc biệt bởi nó được phát triển sâu rộng ở nhiều cấp độ, từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo các cấp đến nhân dân, từ các ngành, các giới đến các đoàn thể chính trị-xã hội… Quan hệ này đặc biệt không chỉ ở mặt chính trị mà còn thể hiện ở các lĩnh vực hợp tác khác như kinh tế, văn hóa hay giáo dục.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về đầu tư tại Lào với 252 dự án, tổng giá trị đầu tư gần 2,8 tỷ USD, kim ngạch ngoại thương giữa hai nước năm 2010 đạt gần 500 triệu USD và có tốc độ gia tăng khá nhanh. Sự xuất hiện của nhiều du học sinh Lào tại Việt Nam và du học sinh Việt Nam tại Lào cũng minh chứng cho mối quan hệ đặc biệt đó.
Nước bạn Lào cũng đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định, năm 2010 đạt 7,9%, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 986 USD, tăng gần 6 lần trong vòng 20 năm. Điều này cho thấy, hai nước chắc chắn sẽ là đối tác kinh tế tốt, có thể cùng khai thác lợi thế của nhau, bổ trợ cho nhau để cùng phát triển.
Giữ gìn và vun đắp mối quan hệ quí giá Việt - Lào là trách nhiệm và lợi ích của cả hai dân tộc. Vì tình anh em đồng chí chân tình thì trên-dưới, trong-ngoài, trước-sau đều như một. Hai nước chỉ dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ hết mình. Các doanh nhân, các tổ chức, từng công dân hai nước chỉ dành cho nhau những điều tốt đẹp, chỉ làm những điều mang lại lợi ích cho cả hai phía, vì sự thịnh vượng của cả hai phía. Như vậy, nghĩa tình sâu nặng Việt - Lào mới là tài sản vô giá để hai dân tộc cùng nhau mang vào tương lai./.