4 ngày, 10 trận động đất ở Việt Nam

Sáng 28.4, thêm một trận động đất xảy ra tại Lai Châu. Đây là trận động đất thứ 3 liên tiếp mạnh trên 3,5 độ Richter và là 1 trong khoảng 10 trận động đất xảy ra tại khu vực Sơn La, Lai Châu chỉ trong 4 ngày qua.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (BTĐĐ-CBST) cho biết, trận động đất xảy ra lúc 9 giờ 1 phút 48 giây sáng qua 28.4, mạnh 4,1 độ Richter. Tâm chấn động đất có tọa độ 22,18 độ vĩ bắc; 103,20 độ kinh đông, nằm trên địa phận khu vực Chăn Nưa (H.Sìn Hồ, Lai Châu). Trước đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vào các ngày 25 và 26.4 liên tiếp xuất hiện 2 trận động đất mạnh 3,8 và 3,6 độ Richter.

 

 Người dân khu dân cư mới Linh Đàm (Hà Nội) hoang mang vì động đất hồi cuối tháng 3 vừa qua - Ảnh: Minh Thư

TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm BTĐĐ-CBST, cho biết đây được xác định là những trận động đất yếu, khó có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo TS Minh, hiện không thể khẳng định có tiếp tục xuất hiện các dư chấn của trận động đất nữa hay không và các cán bộ của trung tâm vẫn đang tiếp tục theo dõi sát các diễn biến tiếp theo.

 

 

Đới đứt gãy Sơn La có thể gây ra động đất cực đại mạnh tới 7 độ Richter và trên thực tế từng xảy động đất mạnh 6,8 độ Richter - TS Lê Huy Minh

 

“Những trận động đất này đều nằm trên các đới đứt gãy Sơn La và Lai Châu - Điện Biên. 4 ngày qua, chúng tôi đã ghi nhận được khoảng 10 trận động đất xảy ra trên 2 đới đứt gãy này, nhưng ngoài 3 trận động ở Lai Châu, tất cả các trận động đất còn lại đều nhỏ hơn 3,5 độ Richter nên theo quy chế báo tin động đất chúng tôi không phát đi bản tin động đất”, ông Minh nói.

Đới đứt gãy đang hoạt động tích cực

Người đứng đầu Trung tâm BTĐĐ-CBST cũng cho biết, đới đứt gãy Sơn La có thể gây ra động đất cực đại mạnh tới 7 độ Richter và trên thực tế từng xảy ra động đất mạnh 6,8 độ Richter. Trong khi đó, động đất trên đới đứt gãy Lai Châu - Điện Biên mạnh nhất là 6,1 - 6,5 độ Richter. Ông Minh lưu ý, các trận động đất xảy ra trong những ngày qua chứng tỏ 2 đới đứt gãy trên đang hoạt động tích cực và hiện chưa thể lý giải được nguyên nhân. Người dân và chính quyền các địa phương ở khu vực này cần chủ động đề phòng sự xuất hiện của các trận động đất lớn hơn.

 

 Bản đồ tâm chấn trận động đất tại Lai Châu sáng 28.4 - Nguồn: Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần

Theo ông Minh, cùng các trận động đất tại Lai Châu, từ cuối năm 2010 đến nay có khá nhiều các trận động đất xảy ra tại Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An và ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu… So với cùng kỳ các năm trước đó, động đất xảy ra nhiều hơn và xu hướng gia tăng. Các trận động đất này chứng tỏ các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại. Ông Minh cho biết, trên thực tế ở nước ta cứ sau khoảng 20 - 30 năm lại xuất hiện một trận động đất mạnh trên 6 độ Richter. Nếu tính từ trận động đất mạnh 6,8 độ Richter tại Tuần Giáo (Điện Biên) năm 1983, đến nay đã trên 24 năm. Khoảng thời gian này trùng với chu kỳ nêu trên.

 

 

- Năm 1935, tại TP Điện Biên ghi nhận động đất mạnh 6,7 độ Richter.
- Năm 1983 tại Tuần Giáo (Điện Biên) mạnh 6,8 độ Richter.
- Tháng 2.2001, tại khu vực Điện Biên - Lai Châu xảy ra trận động đất mạnh 5,3 độ Richter, làm 4 người bị thương, trên 3.200 công trình bị hư hại.
- Ngày 3.3.2008, một trận động đất mạnh 4,5 độ Richter xảy ra tại tọa độ 22,62 độ vĩ bắc; 102,36 đô kinh đông thuộc địa phận H.Mường Tè (Lai Châu)...

 

Chưa triển khai phương án phòng chống

Ông Đào Ngọc Hưởng, Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh Lai Châu, cho biết trận động đất sáng qua không gây thiệt hại gì về người và tài sản. Ông Hưởng nói rằng, nếu động đất mạnh xảy ra, chắc chắn sẽ gây thiệt hại nhưng Lai Châu là tỉnh miền núi, dân cư thưa thớt, ít có các công trình xây dựng tầm cỡ nên cũng không quá nghiêm trọng! “Lâu nay chúng tôi vẫn đọc trên báo, nghe trên đài về nguy cơ động đất tại Lai Châu là thế này thế nọ, nhưng đến thời điểm này chưa có cơ quan chuyên môn và đơn vị hữu trách nào thông báo chính thức cho địa phương và yêu cầu đề phòng. Đấy mới chỉ là trên sách vở, báo chí, chúng tôi chưa được thông tin chính thức nên cũng chưa triển khai các hoạt động phòng, chống động đất”, ông Hưởng nói.

Theo ông Hưởng, các nhà địa chất và cơ quan hữu trách T.Ư chưa cảnh báo với Lai Châu cần phải xây dựng các công trình có khả năng kháng chấn như thế nào. Trên thực tế, có rất ít tòa nhà, công trình xây dựng trên địa bàn có thiết kế kháng chấn. “Các nhà địa chất cần thông báo cho chúng tôi biết về nguy cơ và các phương án phòng chống. Chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động đối phó với động đất”, ông Hưởng nói.

Nếu những gì ông Hưởng nói là sự thật thì khi động đất mạnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hậu quả sẽ là khôn lường. Trong khi đó, các quy định bắt buộc về kháng chấn đối với các công trình xây dựng đã được nêu rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác đối phó với thiên tai, thảm họa, trong đó có động đất. Nếu động đất gây thảm họa tại Lai Châu, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?

 

Động đất ở VN mạnh cỡ nào?

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, động đất tại VN không mạnh so với tại nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất xuất hiện động đất mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 là rất thấp. Trong đó, trung bình khoảng 10 năm xảy ra 1 trận động đất mạnh cấp 7 và 5 năm xảy ra 1 trận động đất cấp 6... Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 7 - cấp 8, TP.HCM nằm trong vùng động đất cấp 6 - cấp 7.

PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, Phó giám đốc Trung tâm BTĐĐ-CBST, cho biết Tây Nguyên nằm trên đới đứt gãy Ba Tơ - Củng Sơn, nguy cơ động đất mạnh nhất ở khu vực này là 5,9 độ Richter, được xếp ở mức trên trung bình. Trong các năm 1970 và 1972, tại Tây Nguyên đã xảy ra 2 trận động đất đều mạnh 5,3 độ Richter. Còn Ninh Thuận nằm ở tương đối xa các đới đứt gãy tây biển đông hoặc kinh tuyến 109. Tỉnh này có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lan truyền chấn động các trận động đất trên các đới đứt gãy kể trên. Khu vực đất liền Ninh Thuận chỉ có thể xảy ra động đất yếu, ít có khả năng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Tại đây, năm 1967 đã xảy ra một trận động đất mạnh 4 độ Richter.

Nguồn tin: TNO