Khoảng 40.000 người tử vong vì thuốc lá mỗi năm

Trước những tác hại mà thuốc là mang lại, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp kiềm chế hoạt động kinh doanh cũng như hạn chế sử dụng thuốc lá nhưng đến nay vẫn chưa hiệu quả.

Thị trường thuốc lá ngày càng “bành chướng”

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam có 50 % nam giới và 3,4% nữ giới hút thuốc lá, trên 40% nam cán bộ y tế và 1,3 % nữ cán bộ y tế hút thuốc lá. Tại Việt Nam thuốc lá “giết” khoảng 40.000 người mỗi năm, người hút thuốc lá sẽ hút 7000 chất độc vào người, trong đó có khoảng 70 hóa chất là nguyên nhân gây ung thư phế quản phổi, ung thư vòm họng, miệng, thực quản, ung thư ruột... nguy hiểm nhất là chất hắc ín, nicotine, chất gây nghiện,...

Mặc dù thuốc lá có tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người, nhưng hiện nay ngành thuốc lá đang ngày càng “bành trướng” trên thị trường tiêu dùng.

Trong đó, tổng sản lượng tiêu thụ thuốc lá trên thị trường Việt Nam khoảng 95 tỷ điếu, tổng cộng khoảng 850.000 điểm bán thuốc lá trên toàn quốc và đa dạng về mẫu mã, sản phẩm như: Vinataba, “555”, Craven A, White horse… Đến hết tháng 8.2011, trên địa bàn cả nước có 6 Tổng công ty (17 Công ty thành viên sản xuất thuốc lá) thực hiện sản xuất kinh doanh đa ngành và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Công thương, sản phẩm thuốc lá từ 2006-2010 đạt 65.060,6 tỷ đồng, tốc độ bình quân tăng trưởng đạt khoảng 3%, sản phẩm thuốc lá phổ thông chiếm tỷ trọng 59%, sản phẩm trung cấp  9%, sản phẩm trung cao cấp và cao cấp là 32%.

Hiện, nông thôn đang là thị trường tiêu thụ thuốc lá lớn, chiếm tới 60% tổng tiêu thụ sản lượng thuốc lá. Do thu nhập thấp nên tại nông thôn những loại thuốc lá thuộc sản phẩm phổ thông từ 3.000-7.000 đồng/ bao được tiêu thụ khá mạnh, chiếm đến 70%  tổng số tiêu thụ thuốc lá tại thị trường nông thôn.  Các loại thuốc lá trung cấp (mức giá trên 7.000-10.000 đồng/bao) tiêu thụ 15-20%, và các loại thuốc lá trung cao cấp (trên 10.000 đồng/bao) tiêu thụ thấp nhất.

Đối với thành thị, tiêu thụ khoảng 40% tổng sản lượng tiêu thụ trên thị trường và có xu hướng chuyển sang các sản phẩm trung cao cấp do thu nhập người dân ở đây ngày càng tăng.

Vô tư hút thuốc nơi công cộng.
Vô tư hút thuốc nơi công cộng.

Kiểm soát hoạt động thuốc lá chưa hiệu quả

Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định về kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế hút thuốc lá nhưng đến nay, các hoạt động đó vẫn chưa có hiệu quả.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, hiện nay Bộ Công thương chỉ kiểm soát các đại lý bán buôn thuốc lá, còn hoạt động bán lẻ do Sở Công thương các tỉnh quản lý.

Ngày 1.1.2010, theo quyết định của Thủ Tướng Chính phủ sẽ cấm hút thuốc lá nơi công cộng, và phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng nếu vi phạm. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, hiện nay tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan, đặc biệt tại các điểm xe bus, bến xe…. Thậm chí, tại nhiều nơi công cộng như công viên, bến xe… vẫn không có biển cấm hút thuốc lá nơi công cộng, chưa có các đơn vị tiến hành xử phạt hành vi hút thuốc lá.

Hiện nay, quảng cáo thuốc lá rất tinh vi, nhất là đối với các loại thuốc đắt tiền, như cho người trực tiếp mang thuốc đến từng bàn để tiếp thị và khuyến mại hiện vật kèm theo, nhiều phim ảnh thể hiện cảnh quay khá rõ nét về hút thuốc lá.

Việt Nam cũng đưa ra quy định cấm bán thuốc cho trẻ dưới 18 tuổi; bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi; thuê hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá. Trên thực tế, sau khi có quy định, tại các điểm bến tàu, xe vẫn tồn tại rất nhiều trẻ em dưới 18 tuổi bán vé số, thuốc lá; việc bán lẻ thuốc lá xuất hiện tràn lan trên các vỉa hè, đường phố. Bên cạnh đó, người kinh doanh luôn đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu thì khó có thể không bán hàng cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Đặc biệt, về công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu vẫn còn “lỏng lẻo” chưa hiệu quả, theo báo cáo của Bộ Công thương, trong năm 2011, tình trạng nhập lậu thuốc lá tăng và chiếm 16% sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong cả nước. Dự báo trong thời gian tới, thuốc lá lậu sẽ chiếm 1/4 sản lượng thuốc lá.

Ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn & Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, năm 2000 Chính phủ đưa ra chính sách phòng chống tác hại của thuốc lá, mục tiêu đến năm 2010 giảm từ 50% xuống 20%, tuy nhiên sau mười năm vẫn chưa có gì thay đổi, Việt Nam vẫn là nước hút thuốc lá cao nhất thế giới. Ông cũng cho rằng, cần phải có chính sách làm thế nào để kiểm sóat thuốc lá, loại bỏ thuốc lá, giảm bớt số lượng sản xuất thuốc lá vì lợi ích chung của tòan xã hội. Đồng thời phải có lộ trình giải quyết các vấn đề liên quan như: công ăn việc làm của người lao động, người trồng thuốc lá, các doanh nghiệp…

Thiết nghĩ, trước những tình trạng đang diễn ra như hiện nay, Bộ Công thương cần “mạnh tay” hơn nữa với các hành vi vi phạm về quy định sản xuất và kinh doanh thuốc lá, quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá, có như vậy, công tác phòng chống thuốc lá và hạn chế sử dụng thuốc lá của người dân mới có  hiệu quả.

Tác giả bài viết: Tuệ Chi

Nguồn tin: Báo Lao động