Phập phồng lo sợ dã thú tấn công
- Thứ tư - 11/05/2011 15:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một đêm, năm con chó bị thú lạ ăn thịt
Bà Phan Thị Bích Ngọc, 70 tuổi, thuật lại câu chuyện về thú lạ. Ảnh: P.A |
Đến làng biển Sơn Trà trưa 10.5, hỏi về về chuyện thú tấn công vật nuôi, hầu như người dân nào cũng lo lắng. Đến cửa Nhỏ (hay còn gọi là cửa Kẽm) trên cửa biển Sa Cần thuộc vức 3, thôn Sơn Trà, chúng tôi nghe hàng chục người dân xác nhận có thú lạ tấn công chó nuôi ở đây.
Bà Phan Thị Bích Ngọc, 70 tuổi (nguyên là cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, đã nghỉ hưu) cho hay, vào khoảng 10 giờ đêm 6.5, vợ chồng đang ngủ trong nhà thì nghe con chó mực chạy vào nhà, rồi phóng lên bàn thờ, không dám kêu lên một tiếng. Cứ ngỡ bị chó lớn đuổi cắn, bà Ngọc lấy đèn pin rọi ra giữa nhà. Sau đó, hai vợ chồng nghe một bước chân nhẹ nhàng đi ra. Tiếp theo, bà nghe tiếng con chó nhỏ ở ngoài sân kêu lên vài tiếng rồi tắt lịm.
"Vợ chồng tui tưởng chó nhà bị chó dại cắn nên không dám ra. Ngờ đâu, sáng ngủ dậy bước ra, tui thấy giữa nền nhà trên, phân và nước tiểu của chó phóng uế đầy nhà. Còn ngoài sân, con chó nhỏ bị cắn đầu lìa khỏi cổ, phần thân bị xé làm đôi và nội tạng bị ăn hết", bà Ngọc nói.
Ông Nguyễn Dảnh, 62 tuổi, nhà cạnh bà Ngọc, bảo: "Bà một con thôi thấm thía gì. Con trai tui (Nguyễn Cường, 35 tuổi) có cả bốn con chó (con nhỏ 15 kg/con, con lớn trên 20 kg/con – PV) trong một đêm bị cắn chết trước sân nhà".
Hỏi chuyện, chúng tôi mới hay, bốn con chó mà ông Dảnh nói cũng bị thú lạ tấn công ngay trong đêm với chó của bà Ngọc. Điều đáng chú ý là, những con chó nói trên đều bị ăn hết phần nội tạng và đầu bị cắn đứt gần lìa khỏi cổ.
Tuy nhiên, không chỉ hai gia đình nói trên mà một số hộ gia đình ở vức 3 (xóm 3) thôn Sơn Trà cũng có chó bị ác thú tấn công như vậy. Theo phản ảnh của người dân, hầu như trong những ngày vừa qua, chó nuôi ở đây con nào cũng có vẻ khiếp đảm và đặc biệt là cả làng vắng tiếng chó sủa.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Núi Đình ở sau lưng vức 3, thôn Sơn Trà, nơi dân làng nghi ác thú ẩn mình. Ảnh: P.A |
Khoảng 12 giờ trưa hôm nay 10.5, theo chân anh Cao Tấn Sơn, trưởng công an xã Bình Đông và các công an viên ra gành đá, nơi bà con thôn Sơn Trà nghi ngờ thú lạ đang ẩn nấp, chúng tôi thấy vết chân thú lạ rất to còn rất mới để lại dày đặc trên cát và các tảng đá to. Dấu chân này giống bàn chân thuộc họ mèo, nhưng to từ 8-10 lần.
Anh Sơn cho biết, khoảng 10 giờ sáng 10.5, anh đi ra đây nhưng không thấy vết chân này. "Như vậy, con thú này mới đi lại".
Bà Ngọc cho hay, sau đêm chó bà bị ăn thịt, thì nghe ở nhà hoang phía sau lưng nhà bà có tiếng động. Bà Ngọc báo chính quyền xã đến. Khi lực lượng chức năng đến nhà hoang này thì có dấu vết thú ở đây đã bỏ đi. Còn cháu Nguyễn Thị Hồng Nhi, học sinh lớp 7 trường THCS Bình Đông, huyện Bình Sơn, khẳng định đã nhìn thấy con thú này vào khoảng 8 giờ sáng ngày 8.5 ở tại ngôi nhà hoang nói trên. Theo lời cháu Nhi, con thú có bốn chân, có màu lông đen và to gấp hai, ba so với chó lớn trong thôn.
Tiếp xúc với chúng tôi, vợ chồng anh Huỳnh Tấn Chín (46 tuổi), Võ Thị Liên (42 tuổi) ở vức 3, thôn Sơn Trà cho hay: vào khoảng 1 giờ 30 phút đêm mùng 8 rạng ngày 9.5, khi dậy đi vệ sinh, hai vợ chồng nghe tiếng gầm của thú ở ở vùng tiếp giáp giữa mép nước biển với gành đá và núi Đình nằm phía sau lưng vức 3.
"Nó gầm khoảng 15 phút. Khoảng thời gian này, nó gầm bốn lần rồi im bặt. Theo tui, đó có thể là tiếng gầm của cọp, beo gì đó chứ không phải tiếng của gấu như bà con nói", anh Chín đoán. Trong đêm này, cùng nghe tiếng gầm này còn có chị Phạm Thị Hiệu, nhân viên trạm Y tế xã Bình Đông. Có điều, chị Hiệu nghe thú gầm vào khoảng 22 giờ ngày 8.5.
Theo anh Cao Tấn Sơn, hiện chưa biết ác thú này là loài nào. Vài ngày qua, các lực lượng công an, quân đội và kiểm lâm đã về đây kiểm tra và lùng kiếm con thú ấy nhưng chưa bắt được. Chính quyền xã Bình Đông cũng đã thông báo cho nhân dân trong thôn Sơn Trà và xã Bình Đông biết tình hình dã thú tấn công vật nuôi mấy ngày qua, đồng thời khuyến cáo nhân dân không nên đi lại nơi nghi dã thú ẩn nấp.
Hiện nay, cứ đến chừng 17 giờ, một số người bỏ nhà đi vào thôn ở nhờ nhà người thân, chứ không dám ở nhà.