Sợ bão giá, người thành phố xắn quần làm… nông dân

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng lên từng ngày, rất nhiều hộ gia đình ở thành phố đã tự mày mò đủ phương pháp hỗ trợ bữa ăn gia đình. Nhiều vườn rau nho nhỏ đang mọc lên trên các ban công hay cả những khu đất trống giữa thành phố ồn ào. Thậm chí, một số gia đình còn bạo dạn hơn khi đầu tư... thả cá cải thiện bữa ăn.

Từ những ruộng rau “mini”

Học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp cùng cơ quan, chị Thanh Hường (nhân viên kế toán ngân hàng Techcombank) sốt sắng tham khảo ý kiến và đi tìm các địa chỉ bán hạt giống, hộp xốp để trồng rau mầm tại nhà.

Với số tiền ban đầu khoảng 400.000 đồng – 500.000 đồng chi cho việc mua đất sạch, hạt giống xà lách, cải bẹ, rau muống, hạt ngò… cùng 4-5 chiếc hộp xốp cỡ vừa, chị Hường chỉ mới gieo hạt từ cuối tháng 1 nhưng đến nay ban công với diện tích hơn 20 m2 nhà chị đã mơn mởn những “ruộng rau mini” đủ loại.

Chị Hường vui vẻ khoe, cả tháng nay nhà chị hầu như không phải mua rau ngoài chợ. Với giá rau đội lên như hiện nay, chị nhẩm tính cũng tiết kiệm được khoảng 300.000 đồng mỗi tháng. Không những thế, mọi người trong gia đình hoàn toàn yên tâm vì được ăn rau sạch.

Theo chị Hường, trồng rau mầm nghe qua tưởng chừng dễ nhưng khi bắt tay vào làm quả không đơn giản tí nào. Từ khi gieo hạt đến lúc mầm nhú lên là cả một công đoạn chăm sóc hết sức kỹ càng, không kể việc thường xuyên "ngó nghiêng" canh chừng sâu bọ hay các yếu tố thời tiết. Chị Hường chia sẻ kinh nghiệm: “Khi rau đã ra mầm nên chuyển chậu ra ngoài nắng hoặc nơi có nhiều ánh sáng, tránh chỗ mưa trực tiếp. Loại rau ăn quả nên trồng ở khay cao tầm 30 cm còn loại ăn lá thì trồng ở khay thấp hơn khoảng 15 cm”. Giờ đây, sau mỗi ngày làm việc,  chị Hường lại có thêm niềm vui ngắm vườn rau, tưới nước, bắt sâu. Tới đây, chị và chồng còn dự định làm giàn để trồng thêm mướp đắng và tạo chỗ leo cho rau mùng tơi.

 

Nhiều hộ dân ở thành phố đã trồng rau tại gia để tiết kiệm túi tiền.

Không phải lo lắng về diện tích đất trồng như chị Hường, gia đình anh Xuân (Hà Đông – Hà Nội) có hẳn một vườn rau khá lớn với diện tích gần 50 m2. May mắn này xuất phát từ việc khu vực anh Xuân ở vẫn còn nhiều khu đất trống chưa xây dựng, nên anh tranh thủ những ngày nghỉ làm đất, mua hạt giống và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ cho việc trồng rau.

Gần 1 năm nay, hầu như ngày nào vợ chồng anh Xuân cũng dành thời gian thay nhau chăm chút cho vườn rau nhỏ của gia đình. Khu vườn bây giờ đã xanh um với đủ loại rau từ rau muống, rau cải, rau dền…đến rau thơm như húng, ngò hay cả xà lách. Ngoài ra, anh chị còn mua cả ống nứa để dựng thành giàn trồng gấc và mùng tơi.

Anh Xuân cho biết, quyết tâm lớn nhất khiến anh nghĩ đến việc tự trồng rau chính là nỗi lo cho sức khỏe cho gia đình, sau khi nghe được một người bà con người trồng rau ở quê "tiết lộ": những nhà vườn chuyên trồng rau chuyên nghiệp luôn chia diện tích thành hai khu vực: rau để bán và rau giành cho gia đình ăn hàng ngày với các chế độ chăm sóc khác nhau và dĩ nhiên khu vực rau để bán họ sẽ không tiếc phun các loại thuốc sâu cũng như thuốc tăng trưởng để rau luôn phát triển bắt mắt.

Theo anh Xuân, công việc trồng rau hiện tại của gia đình anh không phải dễ dàng, thậm chí có lúc còn vất vả. Để có được mớ rau muống 5.000 đồng như ngoài chợ anh chị phải tỉ mẩn bắt từng con sâu, tưới nước chăm sóc trong mấy tuần. Chị Oánh, vợ anh Xuân chia sẻ: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi thu hoạch được gần 1kg rau gồm cả rau thường đến rau thơm, tính chi li cũng tiết kiệm được gần 20.000 đồng. Từ hôm có rau nhà trồng được, cả gia đình ăn rau yên tâm hẳn”.

Trao đổi với chúng tôi, cô Hằng - giảng viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội cho rằng: Trồng rau trong nhà trên diện tích nhỏ sẽ dễ kiểm soát sâu bệnh. Người trồng nên bắt sâu, ngắt ổ trứng bằng tay. Hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thưc vật, nhất là đối với các loại rau ăn sống. Để phòng trừ bệnh hại nên chú ý sử dụng khay/chậu, giá thể sạch, hạt giống sạch bệnh, hạn chế tưới lên lá (ẩm độ không khí, tán lá càng cao, sâu bệnh càng phát sinh phát triển và gây hại nặng). Nếu phải sử dụng thuốc trừ bệnh thì cần sử dụng đúng loại thuốc (ví dụ trừ bệnh lở cổ rễ, sương mai có thể dùng Ridomil...), ưu tiên sử dụng thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp, nhanh phân hủy”.

Đến nuôi cá cải thiện bữa ăn

Không chỉ có nuôi gà, anh Cương ở Diễn đã cùng với một số hộ xung quanh chung tiền mua cá giống về thả xuống hồ nằm ngay trong vườn nhà. Cách làm này không chỉ cung cấp thêm thức ăn tươi mà còn tiết kiệm đáng kể cho túi tiền gia đình.

Có mặt tại nhà anh đúng thời điểm anh và người hàng xóm đang chuẩn bị thức ăn cho cá, theo quan sát của chúng tôi, chỉ cần một nắm thức ăn nhỏ được đưa xuống hồ, rất nhiều cá trắm cỏ, cá trôi và cá ché nổi lên thi nhau đớp lia lịa.

 

Dù cá ở chợ có đắt thì nhiều gia đình vẫn có sẵn cá tự nuôi để ăn.

Để có được hồ nuôi như bây giờ, anh đã cùng với các nhà xung quanh bỏ ra 1 ngày để dọn nước trong ao, làm bờ, xử lý kỹ thuật để đảm bảo nguồn nước sạch cho cá có thể hô hấp. Anh Cương cho biết: “Theo kinh nghiệm, thả cá vào thời điểm ấm áp sẽ giúp cá nhanh phát triển hơn. Với số vốn gần 2 triệu đồng bỏ ra ban đầu, đến nay cá chưa thu hoạch được nhưng chỉ tháng sau thôi gia đình tôi và một số nhà hàng xóm sẽ có cá ăn thường xuyên".

Theo tính toán của anh Cương, nếu với tốc độ phát triển nhanh và tránh được dịch bệnh như hiện nay, đến hết tháng 4 có thể thu hoạch hàng tuần để các gia đình chung vốn cải thiện bữa ăn. Thậm chí, anh còn tự tin khi nghĩ đến việc có thể đưa ra chợ bán.

Cũng có cùng quan điểm với anh Cương nhưng gia đình chị Hương Trà ở phố Quan Nhân lại có cách làm khá sáng tạo. Diện tích khu đất chị và gia đình đang ở chỉ vào khoảng 30 mét vuông, không còn một khoảng trống nào để trồng rau hay thả cá. Tuy nhiên, hàng tuần chị vẫn có thể chế biến đủ các loại món cá theo khẩu vị của gia đình.

Điều này xuất phát từ việc, chị và chồng đã mua một số cá giống để đưa về nuôi nhờ ở hồ tại quê nội. Chị Trà cho biết, hôm qua đi chợ, hỏi qua giá cá mới giật mình. Cá chép, cá rô tăng từ 10.000  đồng đến 15.000 đồng/kg so với trước đây. Người bán ở chợ cho rằng giá cả hàng hóa tăng liên tục với lại vừa rồi rét đậm nên cá chết nhiều dẫn đến không có nguồn mua về để bán.

Mặc dù, không chăm sóc cá, lo thức ăn cho chúng hàng ngày nhưng những ngày nghỉ anh Hiếu, chồng chị Trà, lại về quê dọn ao, kiểm tra lượng nước, chất lượng nước và cả thu hoạch sản phẩm để đưa lên Hà Nội. Anh Hiếu cho biết: “Tính ra mỗi tuần, gia đình tôi không phải chịu cảnh mua giá cá cao ngất ngưởng. Thay vào đó, ăn cá do mình nuôi cảm thấy ngon hơn rất nhiều”.

Nguồn tin: VTC New