Đưa mẹ Thứ về với đất mẹ

Sáng 14-12, lễ truy điệu mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ - người có 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ - được Bộ Lao động Thương binh - Xã hội, tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn cùng gia đình tổ chức long trọng tại xóm Rừng, thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn). Hàng ngàn người đến tiễn đưa mẹ về với đất mẹ ân tình…
Đưa mẹ Thứ về với đất mẹ

Từ mờ sớm, hàng ngàn người dân, các bạn trẻ đến từ Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành trên cả nước, có cả người nước ngoài đến viếng và tiễn đưa mẹ. Đám tang mẹ đông nghịt người, già có, trẻ có… Trong số những người đến dự tang mẹ, có những cựu chiến binh - những người đã từng gắn bó với gia đình mẹ – đã rơi lệ thương tiếc mẹ. 

 

Mẹ ra đi ở cái tuổi 106 nhưng đã để lại những trống vắng trong lòng người dân, trong lòng những cựu chiến binh đã từng gắn bó với mẹ bởi sự cống hiến lớn lao vô bờ bến của mẹ, của gia đình mẹ với xóm làng, với quê hương và nền độc lập dân tộc của đất nước. Chiến tranh đã cướp đi bao tuổi thanh xuân, phá vỡ hạnh phúc biết bao gia đình Việt Nam với biết bao nỗi mất mát, đau thương. Nhưng hơn ai hết, mẹ Thứ đã đau, đau như cắt từng khúc ruột khi lần lượt 9 người con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại hy sinh. 9 lần tiễn con lên đường là chuỗi ngày chờ đợi, thế nhưng, cuộc đời đã quá cay nghiệt với mẹ khi 9 người con thân yêu của mẹ đã đi mãi không về.

Đau hơn ai hết, 9 giờ ngày 30-4-1975 - khi chỉ còn vài giờ nữa là thống nhất non sông thì anh Lê Tự Chuyển - một chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã nằm xuống trên đường dẫn một cánh quân về giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước trọn niềm vui chiến thắng thì cũng là lúc mẹ vĩnh biệt đứa con thứ 9 của mình, mẹ lại lần nữa nuốt nước mắt vào trong. Mỗi lần mẹ nhận tin con là mỗi lần tim mẹ ứa máu, mắt mẹ rơi lệ, tâm can mẹ héo hon. 

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đọc điếu văn ôn lại cuộc đời Mẹ Thứ.

Trong lễ truy điệu của mẹ ngập tràn những cặp mắt đỏ hoe khi ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đọc điếu văn kể về cuộc đời hy sinh, cống hiến của mẹ. Lễ truy điệu như chìm vào những thước phim quay chậm về cuộc đời mẹ với bao hy sinh, mất mát, với nỗi đau mất con, mất cháu. Những thước phim ấy xúc động hàng ngàn con tim của những người dự tang.

“Dẫu biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là lẽ thường tình của cuộc đời mỗi con người, hơn nữa, với cái tuổi 106 của mẹ đã là thượng thượng thọ, nhưng mẹ mất đi vẫn là nỗi đau không gì bù đắp được. Mẹ ra đi, nhưng hình ảnh người mẹ thân thương, tấm gương mẫu mực của một bà mẹ Việt Nam anh hùng vẫn còn đó trong mỗi chúng ta và con cháu mai sau… Mẹ vĩ đại bởi tấm lòng trung trinh, trong sáng không gợn chút tư lợi đòi hỏi công lao cống hiến, đã từng cùng chồng nhường suất nhà tình nghĩa cho những gia đình liệt sĩ khác…” - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh xúc động.

Nhiều bạn trẻ từ khắp nơi đổ về thắp hương viếng mẹ Thứ


Trong lễ truy điệu mẹ Thứ, bà Joanne Luke, chuyên gia người Úc của Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam, tâm sự: “Tôi không họ hàng, không thân thích với mẹ Thứ, nhưng tôi đến đám tang mẹ để thắp nén nhang đưa tiễn mẹ. Tôi không biết nhiều về mẹ, nhưng qua tình cảm mọi người dành cho mẹ tôi biết đó là một người mẹ vĩ đại, một người phụ nữ Việt Nam hiền từ, nhân hậu và đầy đức hy sinh. Và tôi thật sự ấn tượng trước tấm lòng của mọi người đối với mẹ Thứ”. 
 

Bà Joanne Luke, chuyên gia người Úc của Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam, thắp hương phúng viếng mẹ Thứ. Ảnh: N. KHÔI


Trên đường đưa mẹ về Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, quãng đường chỉ 2 cây số bỗng xa vời vợi, thời gian nặng nề trôi qua. Hai bên đường quốc lộ 1A chật kín người dân cúi đầu đưa tiễn. 10 giờ 30, mẹ về với đất mẹ ân tình. Xin mượn mấy câu trong bài Đất nước của Phạm Minh Tuấn như một lời tri ân, một lời tiễn đưa mẹ - người mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ về với đất mẹ Quảng Nam: “Xin hát về người đất nước ơi!/Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, suốt đời lam lũ…/Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi, mấy mùa không ngủ/Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc/Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con…”.

Nguồn tin: SGGP