Liên kết vì một cộng đồng APEC bền vững

Việt Nam có nhiều đóng góp vào thành công của Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 cũng như tiến trình liên kết khu vực.
Các nhà lãnh đạo APEC họp kín phiên 2

Tối 15/11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về tới Hà Nội kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 18 tổ chức tại thành phố Yokohma và thăm thành phố Nagoya (Nhật Bản). Với chủ đề “Đổi mới và Hành động”, Hội nghị đưa ra nhiều quyết định có ý nghĩa quan trọng, định hướng cho sự phát triển dài hạn của tiến trình liên kết APEC.

Không phải ngẫu nhiên mà nước chủ nhà Nhật Bản chọn thành phố Yokohama làm nơi tổ chức Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18. Giữa thế kỷ 19, Yokohama là một làng chài nhỏ nằm bên bờ Thái Bình Dương. Nhưng giờ đây, Yokohama là thành phố cảng năng động, trung tâm kinh tế lớn nhất Nhật Bản. Bước ngoặt diễn ra vào năm 1859, khi Hoàng gia Nhật Bản xoá bỏ bế quan, mở cảng ở Yokohama để giao thương với phương Tây và Hoa Kỳ. Yokohama trở thành biểu tượng trong chính sách mở cửa của đất nước Mặt Trời mọc và Nhật Bản hy vọng Yokohama sẽ là điểm nhấn cho tiến trình liên kết kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Diễn ra ngay sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Seoul (Hàn Quốc), một số nhà phân tích kinh tế chính trị cho rằng APEC 18 có thể bị lu mờ. Nhưng thực tế cho thấy APEC 18 là một diễn đàn quan trọng, đặt nền tảng mang tính bước ngoặt đối với tiến trình liên kết kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, khu vực mà mới 21 nền kinh tế thành viên APEC đã chiếm hơn 1/2 GDP toàn cầu. Việc các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị lần thứ 18 thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohma - Mục tiêu Bogo và Tương lai” và “Tuyên bố đánh giá thực hiện các mục tiêu Bogo”, thể hiện quyết tâm chung trong việc tăng cường liên kết kinh tế khu vực, đồng thời khẳng định cùng nỗ lực  để các thành viên đang phát triển trong APEC hoàn tất  mục tiêu Bogo về tự do hoá thương mại và đầu tư vào năm 2020. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt vì việc thực hiện mục tiêu Bogo, thước đo đánh giá liên kết khu vực, đã góp phần đáng kể vào việc giảm mức thuế quan trung bình ở khu vực từ 10,8% còn 6,6% vào năm 2008, tăng tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch thương mại hàng hóa ở mức 7,1% hàng năm và chỉ trong giai đoạn 2004 - 2009 đã tăng gấp ba lần giá trị thương mại nội khối. Nếu không có sự triển khai tích cực các cam kết Bogo thời gian qua, APEC khó có thể trở thành một khu vực kinh tế năng động như hiện nay.

Rút kinh nghiệm khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới vừa qua và trong bối cảnh các nền kinh tế đang nỗ lực định hình mô hình tăng trưởng, Hội nghị APEC lần này đã đề ra những định hướng chiến lược tăng trưởng bền vững, góp phần giúp APEC vững bước chuyển sang một giai đoạn tăng trưởng mới và đồng hành cùng các cơ chế khác như G20 đóng góp vào tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao đổi với Tổng thống Mỹ Obama

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo xác định rõ chiến lược tăng trưởng của APEC từ nay đến năm 2020 tập trung vào 5 nội hàm rất quan trọng. Đó là cân bằng, đồng đều, bền vững, đổi mới và an toàn, đồng thời đề ra kế hoạch triển khai chi tiết với các dự án cụ thể. Các nhà lãnh đạo cũng xác định cần xây dựng “Cộng đồng APEC” cho thời gian tới, hướng tới xây dựng khu vực mậu dịch tự do ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương dựa trên 3 cơ chế đã có là ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). 3 trụ cột này được đẩy mạnh thì tự do thương mại và đầu tư ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương sẽ được tạo thuận lợi”.

Là thành viên tích cực của APEC ngay từ khi gia nhập năm 1998 và năm 2010 đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, Hiệp hội có 7 thành viên APEC, Việt Nam tiếp tục có nhiều đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao lần thứ 18 cũng như tiến trình liên kết khu vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị là một hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện ngoại giao đa phương sôi động của Việt Nam trong năm nay. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng Thủ tướng Australia và Tổng thống Hoa Kỳ là các nhà lãnh đạo được mời phát biểu đề dẫn tại Phiên họp kín thứ hai của Hội nghị cấp cao APEC, tập trung chủ đề “Nỗ lực liên kết kinh tế khu vực của APEC và định hướng tương lai". Tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2010, Chủ tịch nước cũng cùng các nguyên thủ của Trung Quốc và Hoa Kỳ có bài phát biểu chính với đại diện của hơn 500 tập đoàn hàng đầu ở khu vực. Bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có chủ đề “Vai trò của liên kết kinh tế ASEAN tại châu Á – Thái Bình Dương”. Thông qua đó, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm khắc phục khủng hoảng kinh tế, duy trì đà tăng trưởng cũng như các thành tựu phát triển với các thành viên APEC; đồng thời khẳng định những nỗ lực liên kết và xây dựng Cộng đồng ASEAN đã và đang làm cho ASEAN trở thành một tâm điểm của quan hệ kinh tế, thương mại và liên kết ở châu Á – Thái Bình Dương. Đáng chú ý, ASEAN và các cơ chế ASEAN với các đối tác lần đầu tiên được các nhà lãnh đạo APEC khẳng định là một cách thức tăng cường liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Lễ thông qua Tuyên bố chung APEC 18

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: “Chúng ta chia sẻ kinh nghiệm trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2010 và đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng “Cộng đồng ASEAN” để hướng tới xây dựng “Cộng đồng APEC”. Chủ tịch nước cũng đã chính thức tuyên bố Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 9 thành viên khác. Các nước đánh giá cao Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN và những hoạt động của chúng ta đóng góp vào sự phát triển của APEC”.

APEC 18 với Tuyên bố “Tầm nhìn Yokohma” đặt tiến trình liên kết kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua APEC diễn ra với tốc độ nhanh hơn, phạm vi rộng hơn, hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng bền vững và “Cộng đồng APEC”. Điều đó đòi hỏi Việt Nam, với tư cách thành viên APEC, phải thực hiện các cam kết theo lộ trình cụ thể. Trong 5 - 10 năm tới, chúng ta sẽ phải hoàn tất các cam kết trong nhiều khuôn khổ liên kết khác nhau, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, các Mục tiêu Bogo về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020, các Thỏa thuận về khu vực mậu dịch tự do của ASEAN với Trung Quốc (CAFTA) năm 2015 và với các đối tác khác. Việc thực hiện những cam kết mới và sâu rộng như vậy đòi hỏi quyết tâm cao, sự đồng hành và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, để có sự thống nhất trong nhận thức, chủ động trong chuẩn bị và phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn trong hành động, nhằm tận dụng tốt nhất các điều kiện thuận lợi bên ngoài phục vụ mục tiêu phát triển đất nước./.

Nguồn tin: vovnews.vn