Miền Trung: Hàng vạn nhà dân chìm trong lũ

Lũ đã tràn ngập từ Quảng Bình đến Bình Định nhiều ngày qua, đêm 7 đến ngày 8.11, mưa với cường độ lớn lại diễn ra trên diện rộng, đột ngột, khiến lũ dâng cao bất thường. Hàng vạn hộ dân TT-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam chìm trong lũ lớn.

Đã có 21 người chết, mất tích. Giao thông tắc nghẽn, người dân lại rơi vào thảm cảnh chạy lũ...

Lũ xấp xỉ đỉnh lịch sử

Mưa trút xuống không ngớt từ đêm 7 đến sáng 8.11, nước lũ dâng cao đột ngột vượt mức báo động 3, khiến hàng vạn người dân phải bồng bế nhau chạy lũ trong đêm. Tại TP.Đà Nẵng, cả chục ngàn hộ dân khu vực trung tâm như Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu bị ngập sâu trong lũ như lũ lịch sử 1999. Đặc biệt tại phường Hoà Minh, Liên Chiểu, nước đã tràn QL1A, gây tắc nghẽn giao thông. Huyện Hoà Vang, có 2.500 hộ bị ngập hoàn toàn, 1.500 hộ khác ngập một phần. Ngoài chịu ảnh hưởng lũ trực tiếp trên sông Tuý Loan, người dân xã Hoà Nhơn, Hoà Châu, Hoà Xuân còn oằn mình gánh chịu thêm lũ xả từ hồ Đồng Nghệ. Hơn 30.000 học sinh các bậc học phổ thông đã phải nghỉ học vì lũ.

Đến 8.11, QL1A bị ngập sâu tại 8 điểm ở Quảng nam. QL14 - nối QL1A với đường HCM, là giải pháp thông xe thay thế QL1A cũng bị chia cắt nhiều đoạn. Các tuyến đường lên huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang bị chia cắt nhiều điểm. Vùng hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn, các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn bị ngập nặng với khoảng 200.000 hộ (62% tổng số hộ). Huyện Đại Lộc, cuối ngày 8.11 vẫn còn hơn 25.000 ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn hộ dân sống dọc các sông Thu Bồn, Vu Gia bị ngập hơn 1 mét. Huyện đã sơ tán hơn 2.000 hộ dân từ đêm 7.11.

Báo cáo của Trung tâm PCLB Trung ương tại Đà Nẵng, đến cuối ngày 8.11, đã có 21 người chết và mất tích ở các tỉnh miền Trung, nhiều nhất là Quảng Nam có 16 người chết, 1 người mất tích, Đà Nẵng 2 người chết, Huế 1 người mất tích, Bình Định 1 người mất tích.

Người dân Hòa Vang, Đà Nẵng cho rằng bị ngập nặng bởi xả lũ hồ Đồng Nghệ.
Người dân Hòa Vang, Đà Nẵng cho rằng bị ngập nặng bởi xả lũ hồ Đồng Nghệ.

Thuỷ điện cắt lũ

Tại vùng rốn lũ Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) sáng 8.11, ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - cho biết: “Riêng đợt mưa lũ này, thuỷ điện đã góp phần cắt lũ”(?). Phó GĐ Cty CP thuỷ điện A Vương - ông Lê Đình Bản cung cấp thêm: NM xả lũ lưu lượng 300 -400m3/giây, trong khi đó lưu lượng nước về hồ xấp xỉ 400 - 700m3/giây. Như vậy, ở một số thời điểm, hồ thuỷ điện đã tham gia cắt lũ... Riêng thuỷ điện Sông Tranh 2, lượng nước về chỉ 3.200-4.200m3/giây, song xả liên tục  từ 4.500 - 5.000m3/giây. Với việc xả lũ vượt lượng nước về, đã gây nên hiện tượng lũ chồng. Chính vì thế, trong đêm 7, rạng sáng 8.11, hàng ngàn hộ dân các xã Hiệp Hoà, Hiệp Thuận (Hiệp Đức), Quế Lâm, Quế Phước, Quế Ninh... (Nông Sơn) đã phải sơ tán vì nước ngập bất thường.

Hiện trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn mới có 3 NM thuỷ điện là A Vương, Đắk Mi4 và Sông Tranh 2 là thực hiện quy chế vận hành liên hồ. Có ít nhất 16 hồ thuỷ lợi khác ở miền Trung cũng đồng loạt xả lũ, nhưng không thông báo về thời gian, lưu lượng xả cho chính quyền cũng như cơ quan dự báo thời tiết, cảnh báo lũ.

Lũ ngập phố cổ Hội An

* Đường Hồ Chí Minh sạt lở nhiều điểm. l Thừa Thiên – Huế: Di dời 1.150 hộ dân với 5.000 khẩu. l Quảng Bình: Đường vào các bản người Rục bị chia cắt. l Bình Định: Một em bé bị lũ cuốn trôi.

Ngày 8.11, mưa to kéo dài kết hợp với điều tiết thủy điện Sông Tranh dung lượng hơn 4.000 m3/s đã làm nước sông Thu Bồn dâng cao quá báo động 3 gần 1m, gây ngập lụt nặng nề cho phố cổ Hội An. Trong đêm 7.11, chính quyền Hội An đã di dời 300 hộ dân ở hai xã Cẩm Kim và Cẩm Nam. Điều đáng quan ngại là ngập lụt đã ảnh hưởng lớn đến hàng nghìn di tích trong phạm vi khu vực 1 của di sản Hội An. Theo UBND thành phố, nếu mưa to tiếp tục kéo dài thì phải di dời người dân sống trong 35 di tích nhà cổ, do có nguy cơ sụp mái.

* Theo Khu quản lý đường bộ 5, đường HCM đoạn qua Quảng nam bị sạt lở nhiều điểm. Nhánh Tây Trường Sơn có 2 điểm sạt lở tại km405+400 thuộc xã Bhlee, huyện Tây Giang và km433+600 thuộc xã Mà Cooi, huyện Đông Giang gây tắc đường, đến 10h ngày 8.11 mới thông xe được. Tại nhánh Đông Trường Sơn, sạt lở cả mảng núi tại km1393+300 thuộc xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn (nam đèo Lò Xo) với  hàng ngàn mét khối đất đá. Cty quản lý đường bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã nỗ lực khắc phục, đến đầu giờ chiều 8.11 đã thông xe được một chiều.

CSGT điều phối, ngăn chặn du khách lội lụt ở Hội An.
CSGT điều phối, ngăn chặn du khách lội lụt ở Hội An.

*  Theo thống kê của Ban chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh có 36.060 ngôi nhà bị ngập lũ từ 0,2 - 1,5m. Đã di dời 1.150 hộ dân với gần 5.000 khẩu ở các huyện Hương Trà, Phú Vang, TP.Huế đến nơi an toàn. Giao thông trong toàn tỉnh bị tê liệt bởi hàng chục tuyến đường bị ngập từ 0,7 - 1,5m. Tại ga Văn Xá (huyện Phong Điền), đường sắt bị ngập gần 50cm, nên 4 đoàn tàu SE phải kẹt lại ga Hiền Sĩ, một kẹt tại ga Huế.

* Ngày 8.11, ông Trịnh Thanh Bình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 - cho biết, đường vào các bản người Rục thuộc bản Mò o ồ ồ, Yên Hợp  (Quảng Bình) hoàn toàn bị chia cắt. Ngầm Kiểm Lâm, khu vực hang Trâu bị xói lở 2km. Ngầm Ón bị sạt lở gần 50m, hiện  đồn 585 vẫn đảm bảo lương thực cho người dân. Đường Hồ Chí Minh từ km910 đến km911 đi qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa nơi ngập cao nhất là 1m.

* Ngày 8.11, theo Ban chỉ huy PCLBTKCN tỉnh Bình Định, mưa lũ làm sạt lở nhiều công trình giao thông, thủy lợi tại huyện Hoài Ân. Tuyến đường độc đạo lên xã vùng cao Bok Tới sạt lở taluy âm, tạo hàm ếch khoảng 20m. Thiệt hại tài sản ở Hoài Ân khoảng 2,5 tỉ đồng. Cũng ở Hoài Ân, chiều 7.11, em Võ Hồng Lam (10 tuổi - học sinh lớp 4 Trường Tiểu học số 2 Ân Tường Tây) khi theo cha đi vớt củi gần cầu Bằng Lăng bắc qua sông Kim Sơn, đã bị nước cuốn trôi.     Nhóm P.V

Nguồn tin: laodong.com.vn