Bình Định lũ còn dâng cao

Đến chiều tối 3-11, mực nước các con sông lớn ở Bình Định vẫn tiếp tục dao động ở mức cao.
Một trong những điểm sạt lở nặng trên đường nối Nha Trang - Đà Lạt - Ảnh: NHẤT HÙNG

Nhiều nơi chìm trong lũ

Nước sông Kôn dâng cao đã gây ngập lụt nặng tại một số địa phương thuộc vùng “rốn lũ” khu đông các huyện Tuy Phước, Phù Cát. Tại nhiều vùng dân cư ở các xã thuộc vùng khu đông huyện Phù Cát, huyện Tuy Phước đã bị nước lũ chia cắt, gây ngập hàng ngàn nhà dân từ 0,5-1m.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: 

Tập trung cứu đói, cứu rét cho dân vùng lũ

Chiều tối 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến kiểm tra tình hình phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt tại tỉnh Phú Yên. Làm việc với UBND tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi lời hỏi thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến toàn thể nhân dân Phú Yên. Chủ tịch nước chỉ đạo các bộ, ngành và tỉnh Phú Yên tập trung cứu đói, cứu rét cho người dân vùng lũ.

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã về thăm đồng bào tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa bão ở hai tỉnh này.

TTXVN

Tuyến tỉnh lộ 640 từ huyện Tuy Phước đi Cát Tiến, huyện Phù Cát và tuyến Gò Bồi, huyện Tuy Phước đi thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn bị ngập sâu nhiều đoạn, giao thông ách tắc. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi ở Tuy Phước, Phù Cát bị sạt lở nặng. Sáng 3-11, ngành giáo dục huyện Tuy Phước đã cho 11 trường THCS và bảy trường tiểu học với trên 23.000 học sinh ở các xã khu đông nghỉ học. Ông Nguyễn Đình Huệ, chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: “Huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng, phương tiện để chuẩn bị di dời khoảng 1.000 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn nếu nước lũ tiếp tục dâng cao”.

Giải cứu khách kẹt trên đèo Hòn Giao

Do mưa lớn và kéo dài đã gây sạt lở núi nên từ ngày 1-11, tuyến đường 723 nối Đà Lạt - Nha Trang bị tê liệt hoàn toàn với khoảng năm điểm sạt lở nghiêm trọng, từ khu vực K’Long K’Lanh (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) đến dốc đèo Hòn Giao thuộc địa phận xã Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa). Đặc biệt, vì các điểm sạt lở trải dài trên đoạn đường đèo dài khoảng 30km nên đã “nhốt” 15 ôtô các loại cùng hơn 120 hành khách đi hướng Đà Lạt - Nha Trang từ sáng sớm 1-11. Do nơi bị kẹt xe ở độ cao khoảng 700m so với mặt biển, lại không có làng xóm nên nhiều người bị mệt lả do đói khát và lạnh, nhất là phụ nữ, người già và trẻ em. Nhiều người đã tìm cách vượt qua các đoạn bị sạt lở rồi thuê xe ôm với giá 300.000 đồng/người để về Nha Trang trong ngày 2-11.

Trước đó tối 30-10, quốc lộ 27A bị sạt lở nặng tại khu vực đèo Cậu thuộc địa bàn xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận nên các doanh nghiệp vận tải đã tạm ngừng chạy tuyến Đà Lạt - Phan Rang và ngược lại, khiến hai đường bộ từ Nha Trang và Ninh Thuận lên Đà Lạt coi như bị ách tắc hoàn toàn, từ ngày 3-11 bắt đầu hoạt động trở lại.

Theo Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, hiện ba điểm sạt lở từ phía xã Khánh Lê đến giữa đèo Hòn Giao - đoạn các ôtô bị kẹt - đã được lực lượng chức năng tỉnh Khánh Hòa giải tỏa khoảng 19g ngày 3-11. Hai điểm còn lại vẫn còn ách tắc và hi vọng ngày 4-11 mới được giải tỏa xong vì lực lượng cứu hộ của tỉnh Lâm Đồng mới đưa được máy xúc, máy ủi đến hiện trường vào 16g ngày 3-11. Tuy nhiên, hiện trời vẫn đang tiếp tục mưa và đường 723 mới xuất hiện một số điểm sạt lở lớn ở khu vực K’Long K’Lanh - cách Đà Lạt chừng 20km - đang được cơ quan chức năng địa phương cắm bảng phong tỏa để cảnh báo các phương tiện lưu thông.

Nguồn tin: TTO