Gặp cô SV đạt giải Nhất thiết kế khăn gói quà Nhật Bản

Dáng người nhỏ nhắn, hiền khô, Trang kể cho chúng tôi hành trình đến với cuộc thi và giành giải cao nhất. Thật là ngạc nhiên khi chỉ còn 3 ngày Trang mới biết thông tin về cuộc thi nhưng chỉ thế là đủ để em ghi tên mình trong bảng danh sách vàng.

Đó là Phan Khánh Trang, SV năm 4 ngành Thiết kế đồ họa, Khoa Mỹ thuật Ứng dụng, ĐH Nghệ thuật Huế đã xuất sắc vượt qua hơn 200 mẫu thiết kế tham dự từ Đức, Indonesia, Úc, Canada, Mỹ, Brazil, Nga, Singapore để giành giải thưởng cao nhất trong cuộc thi Thiết kế khăn gói quà Nhật Bản (Furoshiki) Quốc tế lần thứ 2 dành cho sinh viên.

 
 
Trang đang giới thiệu với PV mẫu đoạt giải
Biết được cuộc thi hơi trễ, khi đọc được thông báo trên trường là em chỉ còn vỏn vẹn 3 ngày để thiết kế và gửi mẫu về BTC. Về nhà “vắt óc” suy nghĩ, điều đầu tiên Trang nhớ đến là hình tượng lá chuối nhà và con chuồn chuồn ớt mà tuổi thơ đã gắn liền.
Trong những buổi ăn, bà nội em thường lấy lá chuối gói đồ ăn và nhiều lần ham chơi bắt chuồn chuồn chơi đã đọng lại trong ký ức em những kỷ niệm không thể phai nhòa. Đây cũng chính là một nét văn hóa tương đồng có ở Việt Nam và cả Nhật Bản.

Làm từ sáng đến rạng sáng trên bản vẽ và máy tính cuối cùng em đã ra mẫu khăn vuông 74x74cm với con chuồn chuồn đỏ đậu trên lá chuối xanh, xung quanh là những tia nắng màu trắng để làm nhã nền màu. “Trong lúc sáng tác mẫu, em có nghĩ tới những hoa văn, chi tiết cổ của Huế. Tuy nhiên vì nó chắc chắn khác biệt với hình tượng trang trí Nhật nên em đã không làm”, Trang nói thêm.

 
Tác phẩm Banana leaf – furoshiki gồm chuồn chuồn ớt đậu trên lá chuối của Phan Khánh Trang đoạt giải nhất
 
 
Những tác phẩm đoạt giải của SV Việt Nam

Trang không tin khi một người bạn điện thoại với em gấp “lên mạng xem mi được giải”. Bật vào, em như choáng ngợp khi thấy tên mình. Vui, bất ngờ và sung sướng làm em ngủ không được gần 1 tuần. Giải thưởng 100.000 Yên Nhật (gần 20 triệu đồng) sẽ được em đãi bạn bè một bữa, còn lại tất cả được mua đồ dùng học tập.

Trang chia sẻ: “Em nghĩ mình làm một công việc gì cũng cần thời gian nhưng không có nghĩa là phải thời gian dài mới làm được mà quan trọng là ý tưởng của mình. Trong học tập cũng vậy, mỗi khi làm bài tập, lúc mình chưa tìm ra hướng giải quyết thì thấy cái gì cũng khó nhưng khi đã tìm ra rồi thì nhanh và dễ lắm. Nhất là công việc của người học thiết kế luôn luôn phải có ý tưởng.
Chính thầy Phan Hải Bằng ở trường dạy em nhiều môn học đã kích thích sự sáng tạo của em và nhiều bạn trong lớp. Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến thầy và cha mẹ, bạn bè trong thời gian qua đã động viên con”.
Cô bạn gái với chất giọng rất Huế có sở thích là nghe nhạc, đọc truyện, tiểu thuyết đã từng làm thêm nghề thiết kế với các bạn cùng ngành thời sinh viên. Ra trường, em sẽ tiếp tục bồi dưỡng kỹ năng, rèn luyện nghề tại trường Mahasarakham (Thái Lan) trong 1 năm để hoàn thiện những điểm còn thiếu trong nghề.
Khi về nước, mong muốn đầu tiên của Trang là có một công việc ổn định và phải đúng chuyên ngành thiết kế. “Không nhất thiết phải làm việc các trung tâm lớn. Nếu như ở Huế - một thành phố nhỏ mà nhiều công ty, cơ quan có môi trường làm việc tốt thì em sẽ chọn quê mình ở lại phục vụ”, Trang thổ lộ.
 
Trang đang giới thiệu với PV mẫu đoạt giải

Các thiết kế, ứng dụng độc đáo từ cuộc thi sẽ được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đến hết 10/3. Trung tâm cũng sẽ tạo điều kiện cho công chúng Thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ gặp gỡ và thực hành với các chuyên gia về Furoshiki đến từ Nhật Bản. Riêng mẫu thiết kế đoạt giải của Trang sẽ được Nhật Bản in trên khăn vải, thời hạn sử dụng mẫu bản quyền này là 2 năm.

 
Những mẫu khăn gói quà của Nhật Bản(Furoshiki) có tác dụng bảo vệ môi trường và nhớ về văn hóa truyền thống

 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cuộc thi Thiết kế khăn gói quà Nhật Bản và rất vinh dự giành được giải cao nhất. Ngoài Trang đoạt giải nhất, 2 SV Việt Nam khác đã đoạt giải khuyến khích và 1 SV đoạt giải danh dự. Cuộc thi được tổ chức nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và các quốc gia khác trên thế giới. Qua đó, giới thiệu một nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản có tính ứng dụng trong xã hội hiện đại là sử dụng khăn gói quà và hạn chế sử dụng túi ni-lon để bảo vệ môi trường.

Nguồn tin: Dân trí