Làm giàu trên ao nhà

Ngày 8-10 tới đây, Ngô Ngọc Hưng sẽ vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của - Giải thưởng tuyên dương những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong phát triển kinh tế do T.Ư Đoàn phát động.
Ngô Ngọc Hưng chăm sóc đàn thỏ mới đầu tư. Ảnh: H. Văn.

Người dân thôn Khương Mỹ (xã Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) từ lâu quen với hình ảnh chàng thanh niên dáng thư sinh cả ngày cặm cụi hết vườn nhà đến ao cá. Sáng ra đã thấy Hưng trở về từ lều cá sau một đêm trông coi. Về lại lúi húi cho gà ăn, sau đó “bắt bệnh” cho bầy thỏ xem có vấn đề gì không để kịp thời chữa trị.

Giải ngũ, Ngô Ngọc Hưng (1987) trở về quê nhà. Xuất thân từ gia đình “rặt” nông dân, bản tính lại siêng năng cần cù, chàng trai quyết tâm làm giàu trên chính mảnh ao vườn nhà mình. Huy động hết số tiền tích cóp của cả gia đình, anh chị em trong nhà tổng cộng được hơn 30 triệu đồng, Hưng xắn tay xây dựng chuồng trại và mua con giống.

Thấy con quyết tâm, người cha, ông Ngô Văn Hạnh cũng chạy vạy vay mượn được hơn 100 triệu đồng để con đầu tư mua giống, thức ăn. “Nhà xưa nay làm nông, nên thấy con đầu tư vô chăn nuôi cũng không mấy lo ngại, hơn nữa nó lại là đứa biết tu chí làm ăn” - ông Hạnh tâm sự.

“Mình có sẵn mặt bằng, lại tận dụng được nhân lực nên quyết định đầu tư vào chăn nuôi” - Hưng chia sẻ - “Ban đầu mình chỉ nuôi gà và cá. Sau đó tìm hiểu thông tin thấy thỏ cũng là vật nuôi khá kinh tế, kỹ thuật chăm sóc cũng không khó nên dựng chuồng nuôi”.

Anh Nguyễn Tiến Lực, Bí thư Đoàn xã Hòa Phong, nói: Hưng là một trong những ĐVTN tiêu biểu của xã, chăm chỉ, cần cù lại rất sáng tạo trong các hoạt động và phát triển kinh tế. Đoàn xã đang cùng anh mở rộng mô hình và giúp đỡ các thanh niên khác trong xã.

Hiện, trang trại tập trung của Hưng đã có khoảng 1.500 con gà lấy thịt, 120 thỏ giống và lấy thịt, trên 20.000 giống cá trê lai và cá diêu hồng. Hằng ngày, việc chạy vạy mua con giống, thức ăn rồi đến việc tìm các mối đầu ra ổn định đều một tay Hưng thu xếp. Bố, mẹ và anh chị giúp Hưng cho ăn hay quét dọn chuồng trại.

Lúc rảnh rỗi, Hưng chạy xe tải chở hàng cho các hộ trong xóm hoặc giúp nhà thu hoạch hơn mẫu ruộng ngày mùa. “Mình luôn tìm hiểu sách báo viết về chăn nuôi nông nghiệp và cách áp dụng. Nhưng bài học lớn hơn cả vẫn là kinh nghiệm của các bậc lão nông”- Hưng nói.

Với thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/tháng, mô hình chăn nuôi tập trung của Hưng khiến thanh niên trong xã tấm tắc, muốn được “làm ăn chung”. Hưng dự định mở rộng mô hình chăn nuôi cả về diện tích và con giống để tạo việc làm cho các thanh niên trong xã.

Nguồn tin: TPO