Những kỹ sư chân đất

Tại Đà Nẵng đang có phong trào vực dậy những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nông thôn. Nhiệm vụ đó được những sinh viên khá, giỏi mới ra trường thực hiện. Để trở thành những kỹ sư chân lấm tay bùn như vậy, các bạn trẻ phải trải qua sự xét tuyển rất nghiêm túc. Nhưng họ vẫn sẵn sàng về các xã xa xôi để “làm nông dân”.
Kỹ sư Hồ Công Lượng hướng dẫn kỹ thuật trồng, tưới rau cho một nông dân  - Ảnh: Đoàn Cường

Lặn lội trên đồng

Giờ đây, những bác nông dân ở xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) đã quen với hình ảnh một cô gái Huế trẻ ngày ngày lặn lội trên những cánh đồng. Gặp Lê Thị Minh (25 tuổi) trên cánh đồng Trằm (thôn Yến Nê 1) khi cô đang cần mẫn bới những gốc lúa lên để kiểm tra bệnh lùn sọc đen. Hết thửa ruộng này, cô lại bì bõm lội qua những thửa ruộng khác kiểm tra các loại sâu bệnh trên lúa. Gạt những giọt mồ hôi trên mặt, Minh chia sẻ: “Chỉ cần lơ đễnh là sâu bệnh tấn công lúa ngay. Vì vậy hằng ngày tôi đều đặn đi thăm các thửa ruộng của bà con nông dân để kịp thời phát hiện, phòng trừ sâu bệnh”.

Nhìn cô kỹ sư xông xáo trên ruộng đồng, lão nông Lê Thị Hồng (62 tuổi) cười nói: “Mấy chục năm sống với cây lúa tụi tui có biết bệnh vàng lùn là gì đâu. Thấy trên cây lúa có loại bệnh như vậy nhưng chẳng biết kêu tên là gì để điều trị. Từ ngày cô Minh về đây tui mới vỡ lẽ thế nào là bệnh vàng lùn”. Bà Hồng còn cho hay cũng nhờ những buổi tập huấn kỹ thuật của cô kỹ sư trẻ, những lần bắt bệnh kịp thời trên cây lúa, hoa màu để phun thuốc nên nông dân nơi đây yên tâm hơn.

Tốt nghiệp đại học năm 2009 với tấm bằng khá, tháng 6-2010 Minh từ Huế vào Đà Nẵng theo chương trình thu hút nguồn nhân lực về các HTX nông nghiệp. Vượt qua vòng xét tuyển, cô được phân công về HTX nông nghiệp Hòa Tiến 1. “Ở nơi đất khách quê người lúc đầu tôi cũng buồn lắm nhưng công việc trên ruộng đồng, sự thân tình của bà con nông dân đã làm tôi cảm thấy nơi đây như gia đình thứ hai” - Minh tâm sự.

Ở Đà Nẵng, Minh thuê một căn nhà của một bác nông dân để ở. Hằng ngày ngoài thời gian làm nông dân, tối đến Minh còn kiêm thêm công việc gia sư bởi cô suy nghĩ đang còn trẻ nên không muốn để thời gian “chết” nhiều.

Kỹ sư Hồ Công Lượng (24 tuổi, quê Quảng Nam) cũng đang tất bật với công việc đồng áng tại HTX nông nghiệp 2 Hòa Phong. Sau khi được bố trí công tác tại đây, Lượng được giao nhiệm vụ tham gia vực dậy cánh đồng rau an toàn 15ha ở thôn Túy Loan Tây 1. Mỗi sáng, Lượng xắn quần cùng bà con nông dân lật những khóm rau để kiểm tra sức khỏe cho chúng. Nông dân Nguyễn Thị Tuyết (thôn Túy Loan Tây 1) chia sẻ: “Được chú kỹ sư hướng dẫn nên tụi tui đã biết hạn chế phun thuốc sâu, đồng thời phun đúng ngày, đúng cự ly để rau đảm bảo an toàn”.

Vực dậy hợp tác xã

 

Kỹ sư trẻ Lê Thị Minh kiểm tra dịch bệnh trên cây lúa ở đồng Trằm (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) - Ảnh: Đoàn Cường.

Nhiều năm trời gắn bó với HTX, ông Phan Văn Nhiên - chủ nhiệm HTX Hòa Tiến 1 - nói: “Đã lâu rồi mới thấy có một luồng gió mới để vực dậy những HTX nông nghiệp bằng việc đưa các kỹ sư trẻ về đây. Những tưởng đã có lúc HTX bị bỏ rơi rồi”. Đánh giá về những người trẻ này, ông Nhiên nói: “Họ rất xông xáo tiếp cận thực tế, làm việc có trách nhiệm, tận tụy. Chính những bạn trẻ này đã mang đến luồng sinh khí mới cho các HTX”.

Theo Sở NN&PTNN Đà Nẵng, nhằm nâng cao năng lực của các HTX nông nghiệp, Thành ủy Đà Nẵng đã có nghị quyết thu hút nguồn nhân lực là sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy đạt các tiêu chuẩn đề ra. Ông Trần Viết Phương - trưởng phòng tổ chức, cán bộ Sở NN&PTNN Đà Nẵng - thẳng thắn nhìn nhận: “Nhiều HTX hiện nay không có cán bộ được đào tạo bài bản. Người được đào tạo thì không cam chịu gắn với nhà nông dẫn tới thiếu nhân lực. Vì vậy việc đưa các kỹ sư trẻ về đây sẽ là những hạt nhân cốt yếu để phát triển kinh tế HTX tương lai”.

Hiện Đà Nẵng đã đưa năm kỹ sư trẻ về các HTX vùng sâu vùng xa. Và tiếp tục có kế hoạch xét tuyển thêm 5-7 kỹ sư trẻ để “phủ sóng” hết các HTX trên địa bàn.

Theo ông Phương, những kỹ sư trẻ sẽ được hưởng 100% lương (không tập sự), trợ cấp 400.000 đồng/tháng, nhận một lần 7 triệu đồng từ ngân sách của TP. Ông Phương nhìn nhận: “Ban đầu các bạn trẻ cũng rất buồn vì chưa quen với cuộc sống dân quê. Tuy nhiên hằng tháng, hằng quý lãnh đạo sở đều đặn gặp mặt để động viên và nghe báo cáo công việc nên dần dần các bạn đã yên tâm công tác”.

 

Bám ruộng bám đồng

Đang làm kỹ sư cho một đơn vị sản xuất nấm, rồi nhận những lời mời chào của các công ty cao su với mức lương hấp dẫn... nhưng cuối cùng Hồ Công Lượng quyết định gắn bó đời mình với đồng ruộng sau khi lọt vào chương trình thu hút nhân lực của Đà Nẵng.

Gắn bó với công việc đồng áng của nông dân đã khiến Lượng trở thành anh nông dân thực thụ. Công việc của Lượng thường bắt đầu cùng lúc nông dân ra đồng và kết thúc khi mặt trời lặn. “Vụ rau này chắc chắn sẽ trúng đậm vì hiện nay sâu bệnh rất ít. Việc sinh trưởng của rau rất tốt” - Lượng lật những khóm xà lách và nói.

Ngoài công việc trên đồng, hiện Lượng đang cùng các đồng nghiệp thực hiện dự án làm sống lại nghề làm bánh tráng truyền thống Túy Loan, khoảng mười ngày nữa được đưa vào hoạt động...

Nguồn tin: TTO