Lại cháy chợ của người Việt ở CH Séc

Theo hãng thông tấn Mediafax, rạng sáng 1/1/2011, giặc hỏa đã tấn công khu chợ đường biên Asia Dragon tại làng Svatý Kříž, gần thành phố Cheb. Nguyên nhân ban đầu được xác định do bất cẩn khi đốt pháo đêm giao thừa.

Vụ cháy đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con tiểu thương, ước tính khoảng 10 triệu korun (khoảng 300 nghìn Euro). “Đám cháy xảy ra tại chợ ngay sau thời khắc giao thừa và lửa trùm lên toàn bộ dẫy quầy hàng của người Việt Nam. Thiệt hại lên đến 10 triệu korun, rất may là không có ai bị thương vong”, ông Martin Kasal, người phát ngôn lực lượng cứu hỏa tỉnh Karlovy Vary, cho biết.

Vận “xui” đầu năm

Ngay khi phát hiện ngọn lửa bốc lên tại tại dẫy quầy hàng của người Việt Nam nằm cạnh nhà hàng Thái, nhân viên bảo vệ của chợ đã lập tức tìm mọi cách chữa cháy và gọi cứu hỏa. Theo ông Martin Kasal, 8 đội cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường. Đám cháy được khống chế hoàn toàn sau 2 giờ, tuy nhiên, bà hỏa vẫn thiêu rụi quầy hàng và toàn bộ hàng hóa.

 

Toàn bộ dẫy quầy hàng của người Việt Nam đã bị thiêu rụi.


Để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ bà con Việt kiều khắc phục hậu quả vụ cháy, cộng đồng người Việt tại đây đã thành lập Ban cứu hộ do ông Nguyễn Ngọ làm trưởng ban. Đại diện Đại sứ quán, nhiều tổ chức và cá nhân trong cộng đồng người Việt, thậm chí khách hàng nước ngoài đã đến chia sẻ và đóng góp giúp đỡ. Đại Đức Thích Trí Chơn thuộc Hội Phật giáo Việt Nam đang công tác tại Séc, đã đến tận hiện trường thăm hỏi  bà con, cầu an cho họ và ủng hộ 1.400 Eur. Một số chợ của người Việt đang hoạt động tại Séc như AŠ, Praha 10, Plzen,... hứa quyên góp ủng hộ. Hiện nay, số tiền ủng hộ được khoảng 625 nghìn korun (hơn  25 nghìn Euro). 

Trong ngày 1/1, tất cả bà con bị nạn đã nhận được tiền giúp đỡ đợt một. "Đêm qua  bị nạn, vậy mà sáng nay chúng tôi đã nhận được tiền trợ cấp, thật là kỳ diệu, tôi như nằm mơ“, ông Phạm Đức Lương, thay mặt những người bị hỏa hoạn, nói. Được biết, chợ Asia Dragon Svatý Kříž cũng bố trí nơi bán hàng mới cho những hộ bị thiệt hại trong thời gian sửa chữa cửa hàng bị cháy.

Điểm lại những vụ cháy chợ

Ngày 31/5/2010, một vụ hoả hoạn lớn đã xảy ra tại chợ trời biên giới của người Việt Nam tại làng Horní Vojtanov, thành phố Cheb, khiến ba quầy hàng của người Việt trong tổng số khoảng 40 quầy hàng đã bị cháy hoàn toàn. Nguyên nhân xảy ra hỏa hoạn là kỹ thuật kém của đường dây điện khi bị quá tải.  Dây điện bị chập nóng rồi phát hỏa tại quầy bán đồ gỗ và lan nhanh sang quầy bên cạnh. Thiệt hại lên đến hơn 2 triệu korun (khoảng 70 nghìn Euro).

Ngày 27/2/2010, tại làng Lanškroun vùng Orlickoústecko (Đông Séc) xảy ra vụ cháy chợ Việt Nam với thiệt hại ước tính khoảng 5 triệu korun (khoảng 150 nghìn Euro), rất may không ai thiệt mạng. Theo TN.cz, đám cháy lan nhanh một phần do trong chợ có kho chứa pháo. “Khi cứu hỏa đến thì toàn bộ các quầy hàng trong chợ đã vùi trong đống lửa. Đây là khu đất rộng khoảng 900 m2. 10% các quầy được xây bằng gạch, phần còn lại dựng bằng gỗ và nhựa”, Vendula Horáková, phát ngôn viên Cứu hỏa tỉnh Pardubice cho biết.

 

Vụ cháy Trung tâm TT Sapa tháng 11/2008.


Trước đó, lúc 1h sáng 6/11/2008, Trung tâm thương mại Sapa - lớn nhất của người Việt ở thủ đô Praha, đã bốc hỏa dữ dội. Lực lượng cứu hỏa đã phải huy động hơn 55 đội cứu hỏa, khoảng 350 lính cứu hỏa để chữa cháy. Khu vực cháy là tòa nhà 2 tầng, có diện tích khoảng 15.000m2, là nơi vừa bán hàng vừa là kho lưu hàng về đồ vải và giầy dép. Thiệt hại lên tới 120 triệu korun.

Chợ Sapa vào năm 1999 đã cháy một lần và được coi là đám cháy lịch sử lớn nhất của Praha trong thế kỷ 20, thiệt hại đến khoảng 200 triệu korun.

Thành lập đội PCCC

Tại Trung tâm thương mại Sapa (chợ Sapa), Ban lãnh đạo chợ đã thành lập một đội PCCC (phòng cháy chữa cháy). Ông Miroslav Šneider, đội trưởng PCCC cho biết, tất cả các đội viên phòng cháy chữa cháy tự nguyện này đều có nhiệm vụ cảnh báo nguy hiểm ở chợ Sapa. Ông đã thỏa thuận với Ban lãnh đạo chợ là mỗi ca trực phải có ít nhất 3 người để trong trường hợp cần thiết đội có thể ngay lập tức tiến hành chữa cháy.

Cũng theo ông Miroslav Šneider, sự tồn tại một Đôi phòng cháy chữa cháy tự ngyện của người Việt Nam sẽ mang lại cho Đội Phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp của Praha những thuận lợi nhất định. Thay bằng việc phải đi một quãng đường dài tới ngoại ô Praha thì hiện nay trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, họ có thể can thiệp nhanh hơn rất nhiều vì có các cộng sự gần như tại chỗ. Đội Phòng cháy chữa cháy tự nguyện này cũng có thể hỗ trợ chữa cháy cả ở ngoài khu vực chợ, ở các khu tập thể và làng mạc xung quanh.

“Việc thành lập Đội Phòng cháy chữa cháy của người Việt Nam quả là một việc làm đáng giá từ nhiều phương diện”, bà Pavla Jedličková, Chủ tịch Ủy ban Vì sự chung sống đa văn hóa, nói.

 

Theo thống kê, số người Việt sinh sống tại CH Séc khoảng 80 nghìn người; phần lớn thuộc hai dạng: thứ nhất là những người đi du học, học nghề, đi lao động hợp tác từ thời điểm những năm 1950 - 1989 và thứ hai là những người định cư bằng nhiều con đường khác nhau như được người thân bảo lãnh, đi theo giấy phép kinh doanh hoặc đi lao động xuất cảnh những năm gần đây. Nhìn chung, lớp người thứ nhất sống ở Séc khá lâu nên tạm ổn định, mức độ hội nhập tương đối tốt vì thông thạo ngôn ngữ. Với lớp người thứ hai cũng có hai dạng. Giai đoạn từ những năm 1990 đến 2005 phần lớn được gia đình bảo lãnh đoàn tụ hoặc sang với giấy phép kinh doanh, hầu hết ra chợ buôn bán nhỏ, hoặc mở các cửa hàng ăn, làm dịch vụ các loại. Từ năm 2006 đến nay lại có thêm những đợt người lao động xuất cảnh do nhu cầu của các công ty, hãng xưởng tại Séc muốn thuê mướn công nhân nước ngoài như công nhân người Việt để có thể trả mức lương thấp hơn mức lương phải trả cho người bản xứ. Dù ra chợ buôn bán lẻ hay làm công nhân, lớp người thứ hai đa số không giỏi tiếng bản địa, thường chỉ sống khép kín trong cộng đồng với nhau.

Người Việt Nam ở Séc làm ăn sinh sống tập trung chủ yếu ở các vùng dọc biên giới phía Tây nước này như tại các thành phố Brno, Ostrava và Praha.

Nguồn tin: Báo Đất Việt