Tăng giá điện không phải là lời giải duy nhất
- Thứ ba - 22/02/2011 10:25
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhân viên Điện lực Hà Nội sửa sang, kiểm tra lưới điện chuẩn bị cho mùa khô - Ảnh: Hải Hồ |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông ĐÀM XUÂN HIỆP, tổng thư ký Hội Điện lực, cho rằng việc xây dựng biểu giá phải theo nguyên tắc giữ ổn định cho khu vực thu nhập thấp. Ông Hiệp nói:
- Người tiêu dùng không ai thích tăng giá điện, bản thân tôi cũng thế. Nhưng khi chi phí đầu vào tăng thì giá điện cũng phải tăng. Việc quyết mức tăng 15,28% là lời giải của Chính phủ cho bài toán chung của đất nước. Với mức tăng như vậy, so với mức đề nghị tăng từ 24-40%, tức là Nhà nước đã kìm lắm rồi.
Điều chỉnh giá theo... nhu cầu EVN
"Người tiêu dùng khi bị tăng giá thì tâm lý chung là “ấm ức” vì thu nhập bị giảm đi, chi phí tăng trong khi ngành điện lại được tăng doanh số. Vì vậy cùng tăng giá, theo tôi, Nhà nước và ngành điện cần làm trước hoặc ít nhất là đồng thời nhiều giải pháp khác. Quan trọng nhất là thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu ngành điện, kiểm toán các khoản lỗ ngành điện, minh bạch hóa thị trường và thông tin về sản xuất kinh doanh điện" Ông Đàm Xuân Hiệp |
* Thưa ông, tăng giá điện sẽ tác động không nhỏ tới đời sống người dân, trong khi có ý kiến cho rằng giá điện VN thấp nhưng chi phí tiền điện trên thu nhập của người dân không thấp?
- Mọi thu nhập của người dân chưa tăng mà chi phí tăng thì chắc chắn ảnh hưởng rồi. Những người có thu nhập thấp thì càng bị ảnh hưởng. Phải thấy rằng giá điện hiện nay được điều chỉnh chủ yếu dựa trên nhu cầu và tính toán từ phía EVN. Lợi ích của người tiêu dùng chủ yếu tồn tại ở việc giữ 50kWh đầu tiên mang tính an sinh xã hội, giúp người dân bớt khó khăn.
Tính toán giá điện về nguyên lý cần tính trên cả nhu cầu ngành điện và sức chịu đựng của xã hội, chi phí giá điện trên thu nhập của người dân. Các nước họ tính toán chi tiêu cho năng lượng trên thu nhập của người dân. Giá điện ở VN thấp nhưng đúng là nếu so với thu nhập thì chi phí cho năng lượng không thấp.
* Theo ông, mức chi phí cho năng lượng của người dân ở các nước khoảng bao nhiêu?
- Họ tính chi phí cho năng lượng, gồm cả chi phí cho xăng dầu, điện, gas... với mức chung khoảng 15-20% thu nhập là chấp nhận được. Năng lượng chiếm khoảng 20% chi phí thường là tối đa rồi vì người ta còn phải chi tiêu nhiều vào lương thực thực phẩm, học hành, y tế... nữa.
Tại VN, chúng tôi cũng đang thúc đẩy nghiên cứu này nhưng chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, sơ bộ thì riêng chi phí tiền điện một gia đình trung lưu nếu vào mùa nóng phổ biến gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, mức thu nhập chung khoảng 4-5 triệu đồng/tháng thì chi phí tiền điện đã chiếm gần 30% rồi, chưa tính gas, xăng dầu nữa...
* Vậy theo ông, biểu giá điện tại VN hiện đã hợp lý chưa?
- Ở nhiều nước, điện cho tiêu dùng, sinh hoạt cao hơn điện cho sản xuất. Thang giá điện của VN trước đây có một số bất hợp lý, giờ đang sửa đổi dần và giá điện sinh hoạt mỗi lần điều chỉnh đều theo hướng tăng cao hơn điện sản xuất. Giá điện sinh hoạt trong những năm qua thường tăng cao nhất, sau đó là điện sản xuất, rồi đến điện cho cơ quan hành chính sự nghiệp. Trong khi đó, ai cũng biết điện trong các cơ quan hành chính đang bị lãng phí không nhỏ.
“Đánh mạnh” vào người dùng nhiều
* Hiện nay điện sinh hoạt trên 1.000 đồng/kWh, theo ông, mức tăng tới đây nên thế nào?
- Tôi cho rằng phải theo nguyên tắc giữ ổn định cho khu vực thu nhập thấp. Vì vậy, nên tập trung vào người thu nhập cao để lấy nguồn lực bù lại. Với mức tăng giá chung là 15,28%, mức khởi điểm 600 đồng/kWh, nếu có điều chỉnh cũng chỉ rất thấp. Vì thế, nên tập trung tăng giá vào kWh thứ 200 trở đi.
Đặc biệt, thang tính giá điện hiện nay cao nhất ở 400kWh, nghĩa là có một bộ phận dùng 500-1.000kWh điện/tháng thì từ kWh 401 trở đi họ không phải chịu giá cao hơn nữa. Như vậy là không tạo áp lực khiến người ta tiết kiệm.
Trong khi đó, có hộ một tháng dùng hết 30-40 triệu đồng tiền điện. Theo tôi, nên có thêm nấc thang tính giá theo hướng tăng rất mạnh ở kWh từ 500 trở lên. Đối tượng dùng mức này không nhiều nhưng không nên vì thế mà bỏ qua.
* Lâu nay, mỗi khi tăng giá điện, người tiêu dùng luôn đặt câu hỏi liệu có đảm bảo đủ cung cấp điện hay không. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Đầu tư cho điện bao giờ cũng phải có quá trình, có thời gian. Tất nhiên ngành điện phải có trách nhiệm với việc đấy và họ phải nhận thức được việc đấy. Nhưng nếu đòi đảm bảo điện ngay thì không thực tế. Vì thế, vấn đề là phải có sự chia sẻ. Một điều nữa là không nên để thời gian không tăng giá điện quá dài vì như thế khi buộc phải tăng thì tăng rất cao, người tiêu dùng phản ứng càng mạnh.
Ở các nước, họ không tăng theo kiểu sốc với nền kinh tế mà thường tính chỉ số lạm phát, các mức tăng giá, tăng lương của năm trước để điều chỉnh cho năm sau. Ví dụ lạm phát 5% thì tăng giá cũng xấp xỉ như thế nên nền kinh tế không cảm thấy sốc.
Còn nhiều việc phải làm, không chỉ cứ tăng giá
* Nhưng tiền thu từ bán điện đâu phải là nguồn vốn duy nhất để đầu tư phát triển nguồn điện?
- Ngành điện chủ yếu phải đi vay để làm. Nhưng giá điện của mình thấp, việc vay vốn phải chấp nhận lãi suất cao, EVN vay lãi cao sẽ đẩy vào giá thành điện. Nếu kêu gọi các nhà đầu tư thì họ thấy giá điện bị kìm giá đầu ra quá sẽ không thấy hấp dẫn. Nhưng giá điện cũng không phải là lời giải duy nhất.
Theo tôi, cần tiến hành đồng thời việc tái cơ cấu ngành điện. Tái cơ cấu cần phải hiểu là quá trình chia tách cho hợp lý. Phải tách doanh nghiệp theo hướng tách bạch ba khâu: phát điện, truyền tải và phân phối điện. Khi tách bạch, các doanh nghiệp sẽ phải tự tính toán, tiết kiệm để tăng lợi nhuận, giảm lỗ, chứ không thể đổ lỗi qua lại.
* Về lâu dài, theo ông, làm thế nào để kiểm soát tốt việc điều chỉnh giá điện?
- Phải thị trường hóa, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh. Cần tạo cơ chế để các hiệp hội có thể tham gia kiểm tra, giám sát giá điện, ngành điện, giám sát việc lỗ lãi, khai chi phí của doanh nghiệp điện một cách dễ dàng thì tôi tin nhiều chi phí sẽ có thể giảm và thị trường điện sẽ minh bạch hơn, nếu tăng giá người dân cũng có cơ sở để đồng thuận.
Thiết kế của nhà máy điện hạt nhân VN đảm bảo an toàn Đó là nhận định của TS Sueo Machi - nguyên phó tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), ủy viên Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản, điều phối viên Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á - khi đánh giá về thiết kế Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 của VN tại Diễn đàn hợp tác hạt nhân châu Á diễn ra hôm qua (21-2). Theo ông Sueo Machi, Nhật Bản sẽ giúp đỡ VN về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ việc vận hành nhà máy điện hạt nhân. Trong năm 2010 đã có khoảng 50 kỹ sư điện hạt nhân của VN được nước bạn giúp đỡ đào tạo. |