Xây dựng thế hệ thanh niên mới

Dự thảo Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011-2020 (chiến lược) có 5 mục tiêu trọng tâm nhằm xây dựng thế hệ thanh niên mới có nhận thức chính trị tốt, trình độ cao, có kỹ năng sống, xung kích, sáng tạo...
Chiến lược phát triển TN mới xác định có 1,2 triệu TN được giải quyết việc làm mỗi năm. Ảnh: Hải Yến.

Dự kiến tháng 7- 2011, dự thảo (do Bộ Nội vụ, T.Ư Đoàn và Ủy ban Quốc gia về thanh niên xây dựng) sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ.

Trong mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dự thảo Chiến lược xác định: phấn đấu đến năm 2020 chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới, 70% thanh niên (TN) được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ sinh viên lên 450 người/10.000 dân; giảm thiểu tình trạng thất nghiệp trong TN đô thị xuống còn 40% trong tổng số người thất nghiệp và tăng tỷ lệ thời gian lao động trong năm của TN khu vực nông thôn lên 85%.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu nâng cao thu nhập, phấn đấu hằng năm có 1,2 triệu TN được giải quyết việc làm, xuất khẩu 1 triệu lao động và chuyên gia trẻ.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức chính trị, phấn đấu đến năm 2020, 90% các đối tượng TN được học 6 bài lý luận chính trị do Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng và T.Ư Đoàn biên soạn.

Dự thảo Chiến lược cũng nêu rõ chú trọng giáo dục sức khỏe ban đầu và tiền hôn nhân; bồi dưỡng kỹ năng sống cho giới trẻ; phấn đấu hạ tỷ lệ TN vi phạm pháp luật, nhiễm HIV/AIDS xuống dưới 60%; hạ tỷ lệ TN nghiện ma tuý xuống dưới 50%.

Quyền của thanh niên

Nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo nên bám sát những vấn đề sát sườn của TN như học, việc làm, vui chơi, giao lưu quốc tế để xây dựng, hoàn thiện Chiến lược. TS Trần Văn Miều phát biểu nên để TN có tiếng nói trong việc xây dựng chính sách cho chính họ.

Ông cho rằng TN có quyền tiếp cận thông tin, nguồn lực, các tổ chức quốc tế, luật pháp... nên trong xây dựng Chiến lược cần chú ý vấn đề tham vấn của TN và quyền tiếp cận để phát huy quyền làm chủ của TN.

Tổng thư ký UBQG về TN Việt Nam Phạm Ngọc Quynh cho rằng, cần đề cập rõ hơn vai trò của TN trong tham gia quản lý nhà nước. Anh Quynh nói, Chiến lược phát triển TN 2003-2010 đưa ra mục tiêu giáo dục đào tạo TN nhiều, nhưng không thực hiện được, khi xây dựng Chiến lược giai đoạn mới cần lựa chọn những mục tiêu sát với TN để có tính khả thi và hiệu quả hơn.

Bạn Nguyễn Ngọc Tùng, sinh viên Hà Nội, nói: Chiến lược phải chỉ rõ TN có vị trí thế nào, nhiệm vụ, trách nhiệm đến đâu; hoạt động nào họ được tham gia.

Mở rộng đối tượng

Bà Mandeep Janeja, Phó trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết nên mở rộng phạm vi, thêm đối tượng vị thành niên từ 10 tuổi trở lên. Các mục tiêu được đề cập đều tốt nhưng cần rõ ràng hơn về nhu cầu, cần khuyến khích sự tham gia hơn nữa của TN. Bà Mandeep nhấn mạnh cần quan tâm hơn đến nhóm TN thiệt thòi, nhóm dễ bị tổn thương, nhóm ngoài lề xã hội.

Quyền Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), ông Vũ Đăng Minh khẳng định: TN được tạo điều kiện đóng góp ý kiến bổ sung dự thảo. Nội dung và các mục tiêu của chiến lược phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của các tầng lớp TN.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục tổ chức diễn đàn lấy ý kiến rộng rãi của TN ở nhiều đối tượng khác nhau làm cơ sở chọn lọc, bổ sung và hoàn chỉnh nội dung trong dự thảo Chiến lược.

Dự thảo cũng đánh giá Chiến lược phát triển TN 2003-2010 đã đạt được nhiều kết quả, nhận thức chính trị và đạo đức cách mạng của TN được nâng cao; góp phần giải quyết việc làm, phòng chống tệ nạn xã hội, phát huy vai trò của TN.

Tuy nhiên, Chiến lược còn tồn tại một số vấn đề như cấp ủy, chính quyền nhiều nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức; chưa có chính sách cụ thể bồi dưỡng đào tạo, sử dụng tài năng trẻ; công tác quản lý nhà nước về TN còn hạn chế; việc đôn đốc kiểm tra, đánh giá thực hiện chiến lược chưa thường xuyên...

 

Năm mục tiêu

1.Nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng, đạo đức cách mạng cho TN;

2.Bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp;

3.Xây dựng cơ chế chính sách mang tính đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập và an sinh xã hội;

4.Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần, đẩy lùi tệ nạn xã hội, bệnh tật, tình trạng phạm pháp trong TN;

5.Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác TN.

 

Bốn giải pháp

Bốn giải pháp chính được đưa ra nhằm thực hiện 5 mục tiêu bao gồm: Ban hành các chính sách chương trình phát triển TN; Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; Xã hội hóa công tác TN; Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước về công tác TN.

Theo ông Vũ Đăng Minh, vấn đề xã hội hóa công tác TN được chú trọng có thể giúp tăng nguồn lực tài chính trong việc thực hiện các mục tiêu.

Nguồn tin: TPO