Làm phim tiết kiệm

Buổi toạ đàm của đạo diễn Phillip Noyce về “Điện ảnh thế giới ngày nay” với các nhà làm phim VN diễn ra tại Cục Điện ảnh sáng 31.5 tại HN. Trước đó, Phillip Noyce đã tới TPHCM, giao lưu với các nhà làm phim và sinh viên.

Sang VN lần này để giới thiệu về cuốn sách “Từ đường làng tới Hollywood”, Phillip Noyce coi là bộ sưu tập nhỏ của ông về những thước phim đã làm. Tuy nhiên, trong buổi toạ đàm, Phillip Noyce chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm và quan niệm về làm phim của mình. Từ tháng 10.2010 sau khi dự LHP quốc tế VN, ông hợp tác với đạo diễn Michael Man làm một series phim truyền hình tên “May mắn” (Lucky) với chủ đề đua ngựa, có diễn viên gạo cội Dustin Hoffman thủ vai. Phillip Noyce nhấn mạnh quay bằng máy ảnh có thể tiết kiệm chi phí và có thể làm phim độc lập. Quay series phim truyền hình dùng ba máy: Một máy tĩnh, hai máy động, có thể quay tới 60-70 cảnh/ngày. Phim quay xong tuần này thì tuần sau đã trình chiếu. Khác biệt là ở Mỹ có bộ phận nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp. Sau khi quay nháp phim, họ cho chiếu thử nhiều địa điểm, để đo xem khán giả có cảm xúc đến đâu.

Đạo diễn Phillip Noyce. Ảnh: V.V
Đạo diễn Phillip Noyce. Ảnh: V.V

Phillip Noyce nói: “Cả cuộc đời làm phim của tôi, vừa phải nghệ thuật vừa phải chiều lòng khán giả. Làm phim ngày nay phải thông minh hơn, tiết kiệm hơn. Như tôi ngồi trong bóng tối và quan sát gương mặt các diễn viên, cảnh quay và làm lại ánh sáng trong phần hậu kỳ”. Phillip Noyce nhấn mạnh: “Việc làm hậu kỳ là cực kỳ quan trọng, khi phim quay xong thì thực sự nó mới bắt đầu. Kịch bản có thể viết nhiều năm, nhưng chỉ khi phim ra rạp thì kịch bản mới hoàn thành”. Ông nói vui: “Hollywood là con quái vật, mà tôi học được ở nó là làm sao khiến cho khán giả cảm thấy không xem phim thì đau đớn, chết dở”.

Phillip Noyce giới thiệu phim “Salt” đã chiếu ở VN và chỉ ra đâu là bối cảnh được vẽ ra trên máy tính, kể cả máy bay trực thăng. Lĩnh vực đồ hoạ điện ảnh đã tiết kiệm cho điện ảnh nhiều kinh phí. Dựng một bối cảnh với những nhà cao tầng, 1 trực thăng chỉ tốn 25.000USD với phần mềm đồ hoạ do 50 người làm trong 4 ngày; trong khi nếu dựng thật trên 100.000USD cũng không đủ.

Về xu hướng điện ảnh thế giới, Phillip Noyce không tin vào tương lai phim 3D khi ông thấy nhiều đứa trẻ kêu “nhức đầu” khi xem, dù 3D vẫn được nhiều khán giả trẻ ưa thích. Trong khi phim “drama”- phim bi kịch tưởng là chết, nhưng lại đang hồi sinh, điển hình như phim “Thiên nga đen” doanh thu trên 300 triệu USD trong khi kinh phí làm phim khoảng 14 triệu USD. Các bộ phim làm ra với kinh phí ít ỏi ngày càng phổ biến và trong khoảng 15 năm nữa, có thể phim không cần diễn viên, khi hình ảnh các diễn viên ngôi sao được lưu giữ vào máy tính ở các độ tuổi khác nhau và khi cần có thể mua bản quyền từ họ... Tuy nhiên, vai trò của đạo diễn và biên kịch luôn quan trọng. Đạo diễn phim phải coi biên kịch như anh em song sinh, phải đối xử rất trọng thị...

Phim VN, theo Phillip Noyce phải học cách dẫn chuyện và bán phim. Vị trí của VN thuận lợi, có nền văn hoá, lịch sử, tâm lý riêng để sản xuất ra những phim VN có dấu ấn riêng cho người VN xem. Khác với nước Australia, nói tiếng Anh, nên phim Mỹ vừa ra là người Australia đổ xô đi xem. Có những nhà làm phim ngắn kiếm tiền trên mạng bằng bán quảng cáo kèm phim. Internet chính là tương lai, là vũ khí quảng bá phim (dù mặt trái là làm tăng chuyện sao chép lậu). Ông dẫn ra cuộc thi phim trực tuyến Yxine ở VN và phần thưởng cho phim đoạt giải không có giá trị vật chất, nhưng có giá trị lớn về tinh thần.

Phillip Noyce cho biết, ông đang nung nấu làm một phim nữa ở VN, dựa theo sự kiện tháng 7.1945, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhóm tình báo Con Nai (Deer Team) thuộc OSS (Mỹ) đã nhảy dù xuống Tân Trào (Tuyên Quang), để giúp đỡ trong việc huấn luyện Việt Minh đánh Nhật. Phillip Noyce đã tìm được bức thư của biệt đội OSS gửi về thủ đô Washington thời kỳ đó, gặp một thành viên của đội OSS ngày đó - Henry Prunier - nay đã gần 90 tuổi...  

Nguồn tin: Báo Lao động