Tặng gạo và chăn ấm cho người dân Hà Tĩnh (ảnh: Vân Thiêng, Minh Châm)
Ngày 6/11, ông Huỳnh Đảm, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTW MTTQ) thăm và tặng quà đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt của tỉnh Ninh Thuận.
Trực tiếp tới các xã An Hải và Phước Thuận, huyện Ninh Phước để thăm thăm hỏi, tặng quà một số gia đình có người bị chết hoặc nhà bị xập, bị cuốn trôi do mưa lũ, Chủ tịch Huỳnh Đảm đã ân cần chia sẻ mất mát, đau thương, khó khăn với các gia đình và bà con vùng lũ. Chủ tịch Huỳnh Đảm động viên bà con lối xóm phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà, sau khi nghe lãnh đạo tỉnh uỷ và Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh báo cáo về tình hình thiệt hại về người và của, công tác chỉ đạo phòng, chống và khắc phục hậu quả lũ lụt trong tỉnh, Chủ tịch Huỳnh Đảm đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Ninh Thuận trong việc đối phó với mưa lũ và tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đoàn kết vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Huỳnh Đảm thông báo Ban Thường trực UBTW MTTQ Việt Nam đã quyết định chuyển 1 tỷ đồng từ Quỹ Cứu trợ Trung ương góp phần giúp Ninh Thuận khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra.
Nhân dịp này, Chủ tịch Huỳnh Đảm cảm ơn và tin tưởng đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ đồng bào các tỉnh miền Trung sớm khắc phục hậu quả dio thiên tai gây ra.
Cũng trong ngày 6/11, ông Huỳnh Đảm tiếp tục đi thăm hỏi, tặng quà một số gia đình có người bị chết, bị xập nhà do mưa lũ, tại Cam Ranh, Khánh Hoà.
** Góp phần chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng lũ, trong 2 ngày (5-6/11), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Công ty Dược phẩm phong Bà Giằng phối hợp tổ chức thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc và tặng quà cho nhân dân một số địa phương 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tại xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đoàn phối hợp với đội bác sĩ tình nguyện tổ chức khám bệnh cho 150 người dân, chủ yếu là người già, trẻ em, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách. Sau khi thăm khám, phát thuốc miễn phí, các bác sĩ còn hướng dẫn người dân cách phòng, trị bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng lũ (ảnh: Vân Thiêng, Minh Châm) |
Còn tại xã Đức Quang, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, đoàn tổ chức trao 150 suất quà gồm gạo, chăn ấm và quần áo mới. Đoàn cũng tới tận nhà thăm hỏi và tặng quà, tiền hỗ trợ một số gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mẹ liệt sĩ neo đơn... Tổng giá trị tiền và quà 100 triệu đồng.
** Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 6/11, toàn tỉnh có 6 huyện bị ảnh hưởng của mưa lũ gồm M’Đrắk, Krông Bông, Lắk, Ea Kar, Krông Pắk và Cư Kuin. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra ước khoảng 71,5 tỷ đồng, trong đó, bị thiệt hại nhiều nhất là huyện M’Đrắk 24 tỷ đồng, Krông Bông hơn 20,8 tỷ đồng, Ea Kar gần 13 tỷ đồng, Krông Pắk trên 12,7 tỷ đồng, Cư Kuin 500 triệu đồng và Lắk 420 triệu đồng.
Tính đến ngày 6/11, toàn tỉnh có 415 căn nhà bị ngập, 267 hộ phải di dời. Hiện tại, buôn Chư Nao (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đang bị cô lập. UBND huyện Cư Kuin đã chỉ đạo thực hiện công tác cứu trợ cho các hộ trong buôn. Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích bị ngập và hư hại là 5.706 ha.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 31 cầu tạm và bán kiên cố bị trôi và hư hỏng; 29 cống qua đường sập vỡ; 48,6km đường giao thông nông thôn sạt lở. Ngoài ra, Quốc lộ 26 bị sạt lở taluy dương tại các vị trí Km32+750, Km50+215, Km54+650. Mưa lũ cũng làm 2.185m kênh mương bị xói lở, bồi lấp; 120m tràn đất bị xói lở; 31 công trình thủy lợi vừa và nhỏ bị hư hỏng.
Để chủ động đối phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến khá phức tạp, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh và các huyện bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ đã chủ động triển khai ứng phó kịp thời với tình hình mưa lũ. Các địa phương cũng chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ", tổ chức di dời bảo đảm an toàn cho các vùng ngập, tổ chức cứu trợ cho khu dân cư bị cô lập. Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là cần rút hỗ trợ giống sản xuất cũng như kinh phí để các địa phươ khắc phục sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống cho nhân dân./.
Nguồn tin: vovnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn