06:07 ICT Thứ hai, 09/09/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


Mưa lũ tàn phá miền Trung

Lũ qua: 'Cô cho chúng em khất học phí!'

Thứ sáu - 12/11/2010 14:12
Bữa trưa của các cháu Trường MN Sơn Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh sau đợt lũ, chỉ có cơm, ít thức ăn và canh rau. Ảnh: Hương Giang

Bữa trưa của các cháu Trường MN Sơn Lộc, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh sau đợt lũ, chỉ có cơm, ít thức ăn và canh rau. Ảnh: Hương Giang

Về lại Hà Tĩnh sau cơn lũ lịch sử miền Trung, những con đường đã gần hết bùn đất, các lớp học đã sạch sẽ trở lại, nhưng nỗi khổ âm thầm vẫn theo chân các em đến trường. Chưa bao giờ có cảnh nhà trường không dám thu tiền học phí và thu tiền ăn bán trú của học sinh, bởi vì từ thầy cô giáo đến gia đình học trò, hoa màu và những của cải có thể bán được đã bị cuốn trôi gần hết.

Tiền ăn 2.000 đồng mỗi ngày cũng không có để đóng

Trường Mầm non (MN) Sơn Lộc, xã Sơn Lộc, nằm ở vùng trũng nhất của huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là trường đạt chuẩn quốc gia. Thế nhưng, bữa trưa của các cháu chỉ có cơm và canh.

Buổi trưa, các em ngủ trên những chiếc gối đã cũ nát, có em không có gối, vì hầu hết, đồ dùng buổi trưa đã bị lũ cuốn sạch, hay bị mốc meo không dùng được.

Tiền ăn mỗi bé chỉ có 5.000 đồng/ngày, vậy mà chỉ có khoảng 150 em đóng tiền tháng này, trong tổng số 313 học sinh.

Vừa qua, các đoàn cứu trợ đến chỉ tặng hiện vật là một dàn máy vi tính, 50 thùng sữa, 10 thùng bánh kẹo. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quý cho biết, để có tiền mua thức ăn cho các em chưa có tiền đóng, trường đã phải tạm ứng tiền lương của hiệu trưởng, hiệu phó và 29 cô giáo trong trường.

Mức thu nhập của 29 cô giáo vốn ít ỏi (mỗi cô 840 ngàn đồng/tháng - tiền hỗ trợ trường hợp không biên chế của tỉnh, huyện, xã), nay càng khó khăn hơn, vì chính gia đình các cô cũng bị ngập sâu từ 1 - 2m.

Mô tả ảnh.
Đồ chơi ngoài trời của Trường MN bán công Xuân Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh dùng 20 năm, càng bị gỉ nát sau lũ. Ảnh: Hồng Hải
Tại Trường MN bán công Xuân Lộc, huyện Can Lộc, một trường khá đông HS (313 em), các đoàn cứu trợ cũng mang đến: bánh, sữa, mì tôm, dầu ăn, nước mắm.
Hiệu trưởng Phạm Thị Hằng cho biết: Thú thật, trường chúng tôi nhận được quần áo cứu trợ toàn của người lớn, các em không mặc được. Nhưng trong hoàn cảnh lũ lụt, nhận được bất cứ sự quan tâm nào cũng là đáng quý. Đồ chơi của các em ngoài trời có tuổi thọ 20 năm đã bị gỉ ngoèn và lũ đến làm chúng mục nát trầm trọng.
Ở đây, tiền ăn hàng tháng chỉ thu của học sinh 35 ngàn đồng, diện khó khăn thu 30 ngàn đồng, thế mà vẫn còn 8 em diện khó khăn không đủ tiền đóng. Buổi trưa, gia đình 8 bé đã phải đón về.

Không quần áo lành lặn, nói gì đến đồng phục

Mặc dù những đoàn xe cứu trợ thực phẩm và quần áo vẫn kéo về Hà Tĩnh trong những ngày vừa qua, tại nhiều trường mầm non và tiểu học ở huyện Can Lộc và Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhiều em vẫn phải ăn mặc rách rưới đến trường.

Mô tả ảnh.
Các em trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc có em có đồng phục, có em quần áo đồng phục bị trôi trong đợt lũ vừa qua. Ảnh: Nguyễn Hường.

Hiệu trưởng Nguyễn Danh Tình, Trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc rớm nước mắt:

Khi kiểm tra quần áo các em mặc, mở chiếc áo đồng phục đứt khuy là thấy chiếc áo bên trong đã mục nát, thủng hàng chục miếng. Có em áo trong cũng mốc xanh, mốc đỏ. Nhưng chúng tôi lực bất tòng tâm, vì có tới 150 em trên tổng số 250 em gia đình khó khăn, sống trong những xóm nghèo nhất của huyện. Nhiều em, thậm chí không có nổi đôi dép lành lặn để đến trường.

Để may được đồng phục, thầy cô giáo phải mở "cuộc vận động" khá lâu.

Sau mấy năm động viên phụ huynh, đầu năm học vừa rồi, trường mới may được cho mỗi em một bộ đồng phục mùa hè với chất vải trung bình.

Mùa rét sắp tới, nhà trường lại động viên phụ huynh may đồng phục mùa đông. Nhưng sau cơn lũ tràn qua những xóm nghèo nhất thì phụ huynh đành xin "khất" đến năm sau.

Đợt lũ vừa qua, Trường Tiểu học Nam Sơn đã được hai đoàn đến cứu trợ cặp, sách vở và bút cho các học sinh nhưng không có đoàn nào tặng quần áo. Mùa đông sắp đến, các em vẫn phong phanh bộ quần áo cộc tay đến trường. Gia đình nào may mắn giữ được quần áo, các em mới có những bộ lành lặn.

Mô tả ảnh.
Học sinh trường MN Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Nhiều em đến trường với quần áo cũ nát vì đã bị cuốn trôi hết quần áo. Ảnh: Tú Uyên
Không chỉ đồ chơi, đồ dùng dạy học trôi theo lũ mà chăn màn, chiếu, gối của các bé Trường MN Sơn Lộc, Trường MN bán công Xuân Lộc cũng chẳng còn.
Lũ qua, những chiếc gối còn lại dù đã mốc meo, cũ mèm nhưng các cô vẫn phải giữ lại cho học sinh dùng ngủ trưa. Số lượng học trò quá đông (trên 300) khiến cô giáo không biết tận dụng nguồn nào để có chăn màn trong mùa đông năm nay.
Còn HS ở Trường MN Sơn Hoà, huyện Hương Sơn phải ngủ trưa trên những chiếc chiếu trải trên nền nhà láng xi măng và không có gối. Chỉ may chiếu là chưa bị trôi hết. Dân nghèo nên nhà trường cũng chưa quyên góp đủ tiền xây phòng làm việc cho các cô. Các cô giáo phải kê bàn ghế ra ngoài hè để tiếp đón khách vào thăm trường.

Thầy cô cho chúng em khất học phí!

Trường tiểu học Sơn Long, huyện Hương Sơn, nơi nước dâng từ 2-3m trong phòng học và là nơi lũ ngâm lâu nhất (10 ngày), có một nhà cấp 4 đã bị oằn mái vì nước lũ. Cả trường có 200 em học 2 buổi/ngày. Số tiền ăn bán trú phải đóng chỉ có 2.000 đồng/ngày, nhưng hiện tại, chưa ai đóng, vì tất cả gia đình đều bị ngập sâu trong lũ.

Mô tả ảnh.
Đồ dùng giảng dạy của Trường tiểu học Tiến Lộc, huyện Can Lộc đã bị ngâm trong nước lũ một tuần, được phơi khô để dùng tạm. Ảnh: Nguyễn Hường.
Hiệu trưởng Bùi Thị Kim Hoa, Trường THCS Xuân Lộc, huyện Can Lộc cho biết: Lũ qua đã làm đổ tường vây, đổ cổng trường và làm hỏng đường vào trường, sân thể dục. Nhưng dân ở đây nghèo đến nỗi vẫn còn 65% HS chưa đóng học phí, mặc dù mức học phí chỉ 7.000 đồng/tháng (lớp 6), 8.000 đồng/tháng (lớp 7), 9.000 đồng/tháng (lớp 8), 10.000 đồng/tháng (lớp 9). Nhà trường rất muốn xây phòng thư viện, ước tính khoảng 300 triệu, kể cả giá sách và sách vở, nhưng ở khu dân nghèo thế này, lực bất tòng tâm. Ngay đến phòng bộ môn vật lý, hoá học, sinh học, công nghệ chỉ có phòng, trống trơn các đồ thí nghiệm.
Một hiệu trưởng cho biết: Mặc dù các đoàn cứu trợ vẫn ùn ùn kéo về Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua, nhưng có trường được tài trợ quá nhiều, có trường thực sự khó khăn nhưng không được biết đến.

Có trường tiểu học được tài trợ vài trăm triệu tiền mặt và quà cáp vì có tên trên báo chí. Các đoàn tài trợ đã đụng nhau ở cùng một trường, trong khi đến trường khác, nhiều hiệu trưởng đã rớm nước mắt vì chẳng có ai "ngó ngàng" hay chỉ nhận được thùng quần áo, sách vở.

  • Hương Giang - Nguyễn Hường

Cần những tấm lòng

Cùng đi với phóng viên VietNamNet có một đoàn khảo sát của một doanh nghiệp để tìm hiểu những nơi chưa được cứu trợ. Trưởng đoàn khảo sát này góp ý: Để tiền của bạn đọc và các nhà tài trợ đến đúng người, đúng chỗ, có thể tài trợ bằng cách đóng học phí, tiền ăn cho các em từ vài tháng đến nửa năm. Nếu mỗi người hảo tâm chỉ cần tặng mỗi em một bộ đồng phục (từ 100 đến 150 ngàn/bộ đồng phục mùa đông) thì cũng sẽ giúp các em mùa đông này bớt đi cái rét.

Với mục đích tìm tới những địa chỉ cứu trợ thiết thực nhất, trong các ngày từ 6 đến 9/11, các phóng viên VietNamNet đã trở lại Hà Tĩnh và đi khảo sát thực tế. Dưới đây là ghi nhận của chúng tôi tại những địa điểm đã đi qua:

Trường tiểu học Nam Sơn, huyện Can Lộc. 150 HS trên tổng số 250 em HS thuộc diện khó khăn, không đủ tiền may đồng phục mùa đông. Nước ngập làm hỏng chiếc máy tính duy nhất của trường.

Trường MN Sơn Lộc, huyện Can Lộc. Trường MN đạt chuẩn quốc gia nhưng có tới hơn 150 em chưa có tiền đóng tiền ăn, mỗi ngày 5.000 đồng. Trường cần được cứu trợ về đồ dùng giảng dạy mầm non, gối, chăn nghỉ trưa.

Trường tiểu học Tiến Lộc, huyện Can Lộc mong muốn nhận được sự hỗ trợ về phương tiện giảng dạy ở tiểu học. Hoàn cảnh thương tâm của trường có em Trần Thị Yên, lớp 2C, ở xóm 10, Hà Đông, xã Tiến Lộc, huyện Can Lộc. Em có 3 anh chị em tật nguyền, bố mất, mẹ bị viêm cầu thận, nhà sập, bác hàng xóm phải đưa đi học. Học lớp 2 nhưng em chỉ có chiều cao bằng một em học lớp mẫu giáo lớn.

Trường MN bán công Xuân Lộc, huyện Can Lộc kêu gọi cứu trợ đồ chơi ngoài trời và tiền ăn trưa cho các cháu.

Trường THCS Xuân Lộc, huyện Can Lộc kêu gọi cứu trợ xây phòng thư viện và sách thư viện, vì trường thuộc xã nghèo, vẫn còn 65% HS chưa đóng tiền học phí.

Trường MN Sơn Hoà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh kêu gọi cứu trợ về đồ dùng giảng dạy mầm non, đồ chơi ngoài trời.

Trường MN Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn cần cứu trợ đồ dùng giảng dạy mầm non, đồ chơi HS trong lớp, chăn màn, gối, cốc và bát inox.

Trường tiểu học Sơn Long, huyện Hương Sơn kêu gọi cứu trợ xây lại dãy phòng học cấp 4 vì lũ đã làm oằn mái. Ở đây, 200 em học bán trú, phải đóng tiền ăn trưa có 2000 đồng/ngày nhưng hiện nay các em cũng không có tiền để đóng.

Độc giả có thể liên lạc trực tiếp với các trường học hoặc tham gia đóng góp qua báo VietNamNet theo cách sau: BẤM VÀO ĐÂY

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 25

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 21


Hôm nayHôm nay : 493

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 6653

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7568055


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com