Bác sĩ Nguyễn Kinh Bang (phải) khám cho bệnh nhi Lê Ngô Tuấn Anh vừa được phẫu thuật tim - Ảnh: Mai Vinh
Đôi tay tài hoa
Duyên nợ với “nghiệp dao kéo” đến với Bang ngay từ những ngày đầu nhập môn giải phẫu học tại Trường đại học Y dược TP.HCM. Chàng sinh viên quê Vĩnh Long say mê với những lần thực hành giải phẫu, bởi theo anh “khi giải phẫu, người bác sĩ thấy được tận cùng của căn bệnh, và gần như đấy chính là phương án cuối cùng để giành lại sự sống cho những bệnh hiểm nghèo”. Ngay sau khi ra trường năm 2000, Bang về học bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và gắn bó với những bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh.
Làm bác sĩ khoa ngoại tổng hợp, Bang được cử đi học về phẫu thuật tim tại Viện Tim TP.HCM, và từ năm 2007 đến nay anh cùng đồng nghiệp thực hiện hơn 530 ca mổ cho bệnh nhi bị tim bẩm sinh. Đôi tay tài hoa của Bang đã đem lại sự sống cho nhiều bé thơ mắc căn bệnh quái ác này.
“Người lớn khi mắc bệnh đã đau đớn lắm rồi, còn khi nhìn các bé thơ khóc ngằn ngặt với những cơn đau ai mà không xót xa” - anh tâm sự. Mỗi lần chuẩn bị cho ca mổ khó, anh lại lục sách ra đọc lại, lên mạng cập nhật kiến thức mới từ các nước để tiên liệu những tình huống có thể xảy ra trong ca mổ.
Để nâng cao kỹ thuật mổ tim, anh luôn xin tham gia những ca mổ tim khó tại VN có sự tham gia của các bác sĩ nước ngoài. Và ngược lại anh cũng chia sẻ kinh nghiệm với những bác sĩ ở các bệnh viện khác đến học hỏi.
Khi nói về đôi tay tài hoa ấy, anh Nguyễn Duy Long, bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Dù bận rộn với công việc của một bác sĩ phẫu thuật tim mạch nhưng Bang vẫn dành thời gian tham gia các chuyến tình nguyện đến với bà con vùng khó khăn”. “Tôi mong sẽ có nhiều bệnh viện có phòng mổ tim để các bệnh nhi không phải chờ đợi lâu. Sự sống sẽ nhân lên”- anh Bang day dứt.
Nước mắt thầy thuốc
Nghe anh kể hầu như ngày nào cũng có ca mổ và mỗi ca bình thường phải mất 4-5 tiếng, nhiều ca khó kéo dài hàng chục giờ. Sau những ca mổ như thế, về nhà anh chỉ muốn lăn ra nghỉ. Nhưng hôm sau đôi tay ấy lại tiếp tục chạm vào những trái tim mong manh của các bệnh nhi.
Có lần gặp ca bệnh quá nặng, tiên liệu rất xấu nhưng gia đình vẫn kiên quyết đề nghị bác sĩ mổ. Sau ca mổ kéo dài hàng chục giờ, ra khỏi phòng mổ thì em bé đã mất. Nước mắt người bác sĩ trẻ không rơi ra ngoài mà lặn vào sâu trong trái tim anh. “Sự bất lực của y học là lẽ thường tình nhưng nỗi đau ấy làm tôi day dứt khôn nguôi...”- anh tâm sự.
Trong thực tế còn quá nhiều bệnh nhi chưa được mổ tim, nhiều bệnh nhi đã ra đi mà không chờ được đến ngày lên bàn mổ. Xót xa nhưng ngoài tầm tay của người bác sĩ trẻ. Những bất lực của nghiệp cầm dao kéo khiến anh vạch cho mình hướng đi đào sâu hơn vào chuyên môn để giải mã được những chứng bệnh khó nhất đang hành hạ trái tim các bé thơ.
Ngay sau buổi trò chuyện với chúng tôi, người bác sĩ trẻ ấy lại tất tả chuẩn bị cho ca mổ một bé bệnh tim ở tuổi sơ sinh. Và mỗi ngày như thế anh lại góp phần nối dài sự sống cho các mầm xanh tương lai...
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn