20:17 ICT Thứ hai, 16/09/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


NHỊP SỐNG TRẺ

“Người vác tù và” trên núi

Thứ ba - 08/03/2011 08:46
Chức danh phó bí thư xã Đoàn ở miền sơn cước nghe qua thì cũng “oai oai” nhưng lại đối diện với vô vàn khó khăn. Ở họ, buồn, vui luôn đan xen…

Chiếc tù và trong truyền thống tâm linh của người PaKô, Vân Kiều trên dãy Trường Sơn miền tây Quảng Trị vốn để già làng thổi lên, hiệu triệu dân bản tụ về nhà rông, bàn việc trọng đại của bản. Nói theo một nghĩa nào đó thì những cán bộ đoàn nơi núi cao rừng sâu cũng đang có một chiếc tù và vô hình để truyền lửa cho trai, gái của bản.

Đỏ mắt tìm phó bí thư

Hướng Hóa và Đakrông là hai huyện vùng cao khó khăn bậc nhất của tỉnh Quảng Trị. Đi qua nhiều địa bàn xã thuộc hai huyện, tìm đỏ mắt cũng không ra một cán bộ xã đoàn có trình độ ĐH,CĐ.

Chị Hoàng Thị Ái Thảo, Phó bí thư Huyện Đoàn Đakrông than thở: “Đã nhiều lần Đảng bộ, chính quyền các xã cùng với Ban thường vụ huyện đoàn tìm mãi mà vẫn không ra một hạt nhân nào để đưa họ vào làm chức danh ấy. Họ không cần học cao nhưng chí ít cũng phải đạt được một vài yêu cầu tối thiểu, ngặt nỗi nếu đạt chắc gì họ đã nhận làm...”. Anh Hà Ngọc Giao, Phó bí thư Huyện Đoàn Hướng Hóa, cũng cho biết: “Huyện có 22 xã, thị trấn nhưng đã có 15 xã vùng bản khó khăn. Đoàn viên thanh niên học hết lớp 9, lớp 10 là khá còn lại trình độ văn hóa rất thấp. Đôi khi chúng tôi cũng du di ít nhiều và xét ở góc độ nhiệt tình trong công việc để bổ nhiệm...”.


Phó bí thư  Xã Đoàn Mò Ó, H. Đakrông, Hồ Văn Cu (trái) xuống bản Brầu vận động thanh niên - Ảnh: Nguyễn Phúc 

“Thấy nó đi suốt chứ có ở nhà đâu. Hỏi nó đi đâu thì nó nói là đi làm đoàn...” - Bà Hồ Thị Khươm, mẹ của phó bí thư Hồ Văn Cu (22 tuổi, dân tộc Vân Kiều, phó bí thư Xã Đoàn  Mò Ó), vừa nhen bếp lửa ở giữa nhà vừa nói. “Mình cưới vợ và có con sớm đâm ra làm đoàn cũng khó khăn. Nhà nghèo, mình lại ham phong trào nên chẳng đỡ đần được chi...”, bế đứa con nhỏ đang khóc ré, chàng trai Vân Kiều thoáng chút buồn. Nói là nói vậy nhưng lớn nhỏ trong xã này không ai không biết đến anh phó bí thư năng nổ với tài lẻ đàn hát, bao nhiêu đêm giao lưu văn nghệ đều một tay anh dàn dựng cả. Ấy thế nên trẻ nhỏ của bản xem phó bí thư như anh cả, còn trai gái của bản xem anh là bạn tốt.

Còn khi đến xã Tà Rụt và A Vao huyện Đakrông hỏi anh Hồ Văn Kiên (Phó bí thư Xã Đoàn A Vao), anh Hồ Văn Phong (Phó bí thư Xã Đoàn Tà Rụt), bà con đều tấm tắc: “Cán bộ trẻ của xã đấy, nhiệt tình lắm, việc gì cũng làm”. Nghe chúng tôi kể lại tấm lòng của dân bản dành cho mình, anh Kiên cười phì: “Làm nhiều vì công việc của mình là việc... lặt vặt không tên. Khi thì dựng nhà cho người nghèo, khi thì treo băng - rôn biểu ngữ, khi vận động trẻ em đến trường hay thậm chí việc đi thu đoàn phí mỗi tháng (2.000 đồng/đoàn viên/tháng) cũng là việc rồi...”.

Vì phong trào Đoàn của địa phương, không biết bao lần các anh đã phải trèo đèo lội suối, băng rừng... tìm đến các bản xa để tập hợp thanh niên. “Đâu phải chỗ nào bọn mình đến cũng đi xe máy đâu, đường vào các bản càng khó đi thì ở đó càng nhiều thanh niên chậm tiến...” - anh Hồ Văn Dun (phó bí thư Xã Đoàn Húc) cho biết.

Nhiều khi những sự việc, sự kiện chẳng liên quan gì đến Đoàn - hội của địa phương cũng không thể thiếu sự có mặt của phó bí thư xã Đoàn. Miền núi, neo người nhiều việc nên họ cứ lầm lũi làm những công việc vô danh, không một đồng thù lao như thể đó là trách nhiệm.

 

 
Nhiều khi về cơ sở kiểm tra, thấy anh em hăng hái làm việc mà thương đến ứa nước mắt... Việc thì nhiều mà lương thưởng chẳng có gì
 

Anh Nguyễn Đăng Ánh , Phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng Trị

 “Địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông còn quá nhiều xã khó khăn, những hoạt động của tuổi trẻ nơi đây cũng gặp không ít bất lợi. Nhiều khi về cơ sở kiểm tra, thấy anh em hăng hái làm việc mà thương đến ứa nước mắt... Việc thì nhiều mà lương thưởng chẳng có gì” - Anh Nguyễn Đăng Ánh, Phó chủ tịch Hội LHTN tỉnh Quảng Trị, tâm tư.

Thăng trầm đời “thủ lĩnh”

Theo chế độ hiện nay, mức trợ cấp của mỗi phó bí thư xã đoàn cộng lại tất tần tật là 650.000 đồng/tháng. “Mức trợ cấp này mới tăng chưa được một năm trở lại, trước đây bọn mình chỉ có 290.000 đồng/tháng à... Nhận tiền xong mà không biết làm chi vì ít quá”- Phó bí thư Xã Đoàn A Vao (H. Đakrông) Hồ Văn Kiên tâm sự.

Cũng dễ hiểu khi Hồ Văn Dun - Phó bí thư Xã Đoàn Húc - (H. Hướng Hóa) lặng thinh không nói khi tôi hỏi “lương vậy có đủ ăn không?”. Đủ sao nổi khi “bão giá” ở miền xuôi lên với miền núi càng khủng khiếp hơn vì gạo, muối và nhiều nhu yếu phẩm khác đều được cộng thêm phí vận chuyển mới đến được với dân bản. “Nói các anh đừng cười chứ trợ cấp của mình đa số dùng để đổ xăng. Ở thời điểm nhiều việc, có khi đổ xăng còn không đủ... Lúc hết tiền rồi thì đi bộ luôn” - Dun nói.

Theo khảo sát của chúng tôi thì hầu như tất cả các xã vùng cao  này mỗi năm chỉ chi ngân sách cho xã Đoàn trên dưới 3 triệu đồng để hoạt động. Vì tài chính eo hẹp như thế nên cán bộ xã đoàn xem chuyện bỏ tiền túi ra góp vào “quỹ Đoàn” là cơm bữa. Khi thì chai nước, khi thì bữa cơm hay mua những thứ linh tinh như băng keo, giấy màu… gom lại cũng bộn tiền.

Vì vậy, đa số các cán bộ xã Đoàn vùng cao đều “làm thêm” ngoài giờ kiếm thu nhập. Trong bộn bề khó khăn thiếu thốn ấy, vẫn có những cán bộ xã Đoàn biết vươn lên làm chủ kinh tế gia đình.

Nguồn tin: TNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Từ khóa: n/a
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 1009

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 17405

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7578807


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com