Từ phải qua: Trần Nguyễn Thanh Danh, Võ Thị Hoàng Oanh và Nguyễn Văn Sơn - Ảnh: Gia Tiến
Những con đường đó có thênh thang, có khúc khuỷu, có êm đềm, có ghềnh thác, có hoa hồng, có gai góc... Và con đường nào thì tuổi 18 cũng có thể chọn, cũng có thể đi. Tuổi Trẻ đã gặp một nhóm bạn học sinh tuổi 18 đầy sức sống, tự tin và đầy khát vọng: đó là các bạn Trần Nguyễn Thanh Danh, Nguyễn Văn Sơn, Võ Thị Hoàng Oanh (lớp 12 Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) và bạn Đào Hồng Ngọc, lớp 12 Trường Hà Nội - Amsterdam.
Chỉ học ở trường thì chưa đủ trưởng thành
* Các bạn thấy những gì học được trong nhà trường có trang bị đủ cho mình kiến thức, kỹ năng để sẵn sàng tự lập chưa?
- Oanh, Danh, Sơn, Ngọc: Hoàn toàn chưa. Chúng mình được học quá nhiều lý thuyết và nhiều kiến thức không cần thiết. Ví dụ các kiến thức toán chuyên sâu như tích phân, đạo hàm, lượng giác. Không biết sau này mình sẽ gặp nó ở đâu trong cuộc đời, nếu như không theo chuyên ngành tính toán? Đành rằng môn toán là để luyện tư duy, nhưng có lẽ không cần đi sâu như vậy. Một môn khác như địa lý cũng vậy. Các con số về tiềm năng, khả năng khai thác kinh tế như sản lượng, năng suất sẽ thay đổi từng năm, vậy mà học sinh bị ép học thuộc lòng để dẫn chứng bài học. Và hiện thời là năm 2011, còn các con số tụi mình đang học để thi tốt nghiệp là của năm 2005. Điều đó vô ích quá!
* Nếu được thay đổi hay lựa chọn trong nhà trường, các bạn sẽ làm thế nào?
"Sống không chỉ cho riêng mình. Chúng mình được yêu và tự yêu bản thân 18 năm thế là đủ rồi. 18+ còn phải biết nhìn, thương yêu và lo lắng đến những người xung quanh. Sống mà không biết đến những người khác thì chẳng khác nào không tồn tại" ĐÀO HỒNG NGỌC |
- Sơn: Mình sẽ tăng thêm giờ thể dục với nhiều môn thể thao để các bạn chọn lựa. Tăng thêm giờ sinh hoạt ngoại khóa, dã ngoại, tham quan. Không phải chỉ là chơi. Những giờ đó học sinh sẽ học thêm về làm việc nhóm, tổ chức thảo luận về bài học. Ví dụ như đến di tích lịch sử để học sử, văn; đến các xưởng sản xuất, trung tâm công nghệ học toán, lý, hóa, sinh; đến các mái ấm, nhà mở, làng trẻ mồ côi học môn giáo dục công dân... Khi thấy được bài học trong đời sống sẽ nhớ lâu hơn, hứng thú học hơn và biết đích xác mình sẽ làm gì sau này.
Tự quyết định tương lai
* Bây giờ các bạn đã hình dung mình sẽ thành người như thế nào sau này chưa? Lựa chọn sau khi tốt nghiệp có phù hợp với sự hình dung ấy không?
- Oanh: Từ nhỏ mình chỉ thích làm tiếp viên hàng không nên đã đăng ký vào Học viện Hàng không dù đó chỉ là trường trung cấp, không phải đại học. Mình nghĩ đại học không phải là cánh cửa duy nhất, làm theo ước mơ của mình mới là điều nên làm. Ba mẹ cũng ủng hộ mình.
- Danh: Mình được ba mẹ cho đi du học và đã chọn ngành trang trí nội thất. Sau này mình sẽ về VN làm việc. Nhiều người bảo đi nước ngoài sẽ muốn ở lại nhưng với mình có lẽ không.
- Sơn: Mình thích ngành kinh tế, thích trở thành doanh nhân nhưng qua tham khảo ở người lớn, mình đã chọn một ngành cụ thể hơn, có nhiều tương lai ở VN là ngành hóa dầu. Mình tin rằng sẽ thi đậu vào ngành này của ĐH Bách khoa. Còn ngày bé mình... mơ làm siêu nhân cơ.
- Ngọc: Mình muốn được đi du học nhưng bố mẹ không cho. Bố mẹ muốn mình theo nghề bố - một nghề êm đềm, kiếm khá - nhưng mình không thích vậy. Mình chọn trường ngoại thương. Ngày bé mình mơ sẽ trở thành người phát ngôn của Chính phủ VN, nhưng bây giờ thì khác một chút. Về sau mình sẽ làm mọi cách để được đi du học và học lên thạc sĩ, tiến sĩ.
* 10 năm nữa các bạn muốn mình đạt được những gì?
- Sơn, Danh: Trưởng thành trong công việc và có khả năng kinh tế để làm những việc mình cần: mua sắm cho bản thân, lo cho gia đình, phụng dưỡng ba mẹ và đóng góp cho đất nước. Đóng thuế đầy đủ và thành đạt cũng là đóng góp cho đất nước.
- Ngọc: Mình sẽ phấn đấu trở thành một mẫu phụ nữ hiện đại lý tưởng: giỏi chuyên môn, giỏi việc nhà, quán xuyến gia đình và có năng lực để sẵn sàng trở thành trụ cột khi cần thiết.
Tự nhìn nhận mình
* Nhìn lại mình sau 18 năm, các bạn tự hào và xấu hổ điều gì ở mình?
- Danh: Mình tự hào vì đã phát hiện được năng lực của bản thân và đang cố gắng phát huy những năng lực đó: có ý tưởng sáng tạo, có khả năng ngoại giao và lãnh đạo. Còn xấu hổ? Là đôi khi mình chưa nghị lực, chưa tự lập bằng một số bạn bè cùng trang lứa.
- Ngọc: Mình khỏe mạnh, học không tồi, hoạt động không kém ai, có tư tưởng đúng đắn và sẽ là một người có ích cho đất nước. Mình sẽ là một 9X “xịn”. Bây giờ có một điều xấu hổ là sát ngày thi rồi mà vẫn... ham chơi quá.
* Ngoài việc học và thi, các bạn có quan tâm đến điều gì khác?
- Danh: Mình quan tâm nhiều đến các hoạt động xã hội. Mình hiện vẫn đến thăm các mái ấm, nhà mở, trường mù mà CLB Ve xanh và Sống đẹp của trường mình từng đến. Ở đó học được nhiều điều, biết mình may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người. Mình sẽ cố gắng để sau này có thể chia sẻ những may mắn của mình cho những người kém may mắn hơn.
- Ngọc: Mình vẫn tích cực trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng khác để “săn” các học bổng du học, ngày nào bố mẹ đồng ý thì sẽ đi ngay. Còn trước mắt sẽ học hết đại học trong nước, khi nào thật sự trưởng thành, tự lập được sẽ đi để đạt được khao khát của mình: trở thành một người trẻ giỏi giang!
Nguồn tin: TTO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn