21:36 ICT Thứ sáu, 29/03/2024
Chào mừng các bạn đến với Website Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

*

Liên kết Website

Tra từ điển


Tra theo từ điển:


THÔNG TIN HOẠT ĐỘNG

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn chạy chức, chạy quyền

Thứ tư - 22/03/2023 14:32
(LLCT) - Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”(1). Bài viết nghiên cứu các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận diện hành vi lợi dụng quyền lực và thực trạng trong công tác cán bộ hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác này, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt” - Ảnh: xaydungdang.org.vn

1. Nhận diện hành vi lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ

Đảng ta luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của Đảng, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”. Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ có đủ đức, tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới phải chú trọng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; ngăn chặn chạy chức, chạy quyền.

Lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền còn nguy hại hơn rất nhiều lần hành vi tham nhũng vật chất bởi lẽ về lâu dài sẽ làm băng hoại cả hệ thống xã hội, tha hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn sự tha hóa, lợi dụng quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền.

Một biểu hiện rõ nhất của lợi dụng quyền lực là tham nhũng. Tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội gắn liền với sự ra đời và phát triển của bộ máy nhà nước. Ở nước ta, theo Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2018), “tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Quyền lực là khả năng của cá nhân hay tổ chức có thể buộc cá nhân hay tổ chức khác phải phục tùng ý chí của mình. “Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ”(2).

Thực tế cho thấy các chủ thể nắm quyền lực trong công tác tổ chức cán bộ nếu không được kiểm soát thường dễ có xu hướng lạm quyền, sử dụng quyền lực được trao (ủy quyền) để mưu tính những lợi ích cá nhân hay nhóm lợi ích. Khi đó quyền lực sẽ bị tha hóa, dẫn đến lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ, chạy chức, chạy quyền. Sự tha hóa, lợi dụng quyền lực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, một số cấp ủy đảng không còn là nguy cơ mà đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến, một trong những thách thức lớn trong quá trình xây dựng Đảng, hoàn thiện thể chế chính trị và bộ máy công quyền nhà nước.

Lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ thực chất là hành vi lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, quyền lực công vụ, bất chấp nguyên tắc của tổ chức để làm những việc sai trái nhằm đưa vào cơ quan quyền lực người thân, “cánh hẩu” hoặc giới thiệu quy hoạch, đào tạo, cất nhắc đề bạt nhanh chóng những người thân, “cánh hẩu” giữ chức vụ trong bộ máy công quyền cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị kinh tế, tài chính... vì động cơ vụ lợi.

Hành vi lợi dụng quyền lực thường được nhận biết qua ba dấu hiệu đặc trưng: Thứ nhất, lợi dụng quyền lực phải được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn; Thứ hai, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ được giao chạy chức, chạy quyền; Thứ ba, người thực hiện hành vi lợi dụng phải có mục đích, động cơ vụ lợi.

Bản chất của sự tha hóa, lợi dụng quyền lực là xa rời những quy định, nguyên tắc của Đảng trong tổ chức, sinh hoạt Đảng, trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; thực hiện dân chủ hình thức, dân chủ giả tạo để lấy tập thể làm bình phong, lá chắn nhằm hợp lý hóa ý chí cá nhân của người được giao quyền. Thậm chí, một số trường hợp người đứng đầu cấp ủy tìm mọi cách để áp đặt các thành viên cấp ủy phải tuân thủ, chấp hành ý kiến chỉ đạo của mình. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình một cách hình thức, nửa vời nhằm che chắn, đoạt được mục đích quyền lực của cá nhân.

Nguyên nhân của lợi dụng quyền lực là do cán bộ, đảng viên, chủ thể được giao quyền lực thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, biến quyền lực công thành quyền lực cá nhân, thậm chí thành quyền lực gia đình; do cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ chưa thật hoàn thiện, chưa chặt chẽ; công tác nhận diện, đấu tranh với hành vi tham nhũng, chạy chức, chạy quyền của các cấp ủy đảng còn hạn chế, còn né tránh, ngại va chạm; công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác kiểm soát quyền lực chưa thật sự hiệu quả.

2. Thực trạng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ hiện nay

Trong những năm gần đây, Đảng ta luôn thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, hành động quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đây là bước phát triển mới về tư duy lãnh đạo và quyết tâm chính trị của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Quy định số 205-QĐ/TW xác định rõ: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ, phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”.

Đảng ta cũng đã hoàn thiện, bổ sung các quy định, quy chế của Ban chấp hành Trung ương, như Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy chế làm việc kiểu mẫu của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương... đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý hành vi lợi dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Thông qua thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông, dư luận xã hội, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn, không bảo đảm quy trình, bổ nhiệm người thân, người nhà của cán bộ lãnh đạo đã được kiểm tra, xử lý nghiêm khắc, bước đầu tạo được niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Tuy vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thực hiện chưa tốt, còn nhiều hạn chế, bất cập. Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” một cách hiệu quả”(3). Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại sai?

Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có, hoặc có nhưng chưa cụ thể, thực hiện chưa nghiêm nên chưa phát huy tác dụng ngăn chặn, răn đe. Quy định số 205-QĐ/TW chưa bao quát hết các hành vi chạy chức, chạy quyền trong thực tế, có hành vi còn chung chung rất khó nhận diện. Đối với các hành vi được xác định rõ thì việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn ngay tại tổ chức cơ sở đảng rất khó khăn bởi tính chiến đấu của nhiều tổ chức cơ sở đảng còn yếu, ngại va chạm nên né tránh hoặc “dĩ hòa vi quý”.

Điều đáng lo ngại hiện nay là tư tưởng cầu an, ngại đấu tranh trong một bộ phận cán bộ, đảng viên sẽ tạo điều kiện cho chạy chức, chạy quyền ngày càng phổ biến, biến tướng một cách tinh vi hơn. Thực tế nhận diện hành vi lợi dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền không khó nhưng có những cán bộ, đảng viên biết mà vẫn im lặng vì sợ “đấu tranh thì tránh đâu”, không muốn bản thân bị gây khó dễ tại đơn vị. Dễ thấy nhất là tình trạng quy hoạch, đào tạo, cất nhắc, đề bạt quá nhanh con, cháu hoặc người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp giữ vị trí lãnh đạo trong các cơ quan của hệ thống chính trị.

Điều đáng lo ngại hơn là hiện nay khó có thể đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng tiêu chuẩn hay thiếu quy trình mà căn cứ vào các tiêu chuẩn, quy trình để hợp thức hóa, thực hiện đầy đủ các bước khi bổ nhiệm nhưng lại không chọn cán bộ có năng lực thực tiễn, phẩm chất tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới.

Lĩnh vực dễ nhận thấy nhất là công tác cán bộ Đoàn. Không hiếm trường hợp vừa được bầu giữ chức vụ, chưa thể hiện được gì đã được cử đi học để đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm chức cụ cao hơn hoặc chưa chứng tỏ được năng lực công tác đã được quy hoạch lên chức vụ cao hơn. Điều này không những không chọn được cán bộ xuất sắc nhất mà còn tạo ra sự thiếu công bằng, giảm động lực phấn đấu, rèn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp.

Việc con, cháu cán bộ lãnh đạo chủ chốt phát huy truyền thống gia đình, tiếp tục trở thành cán bộ lãnh đạo là đáng trân trọng nhưng vấn đề là trở thành cán bộ lãnh đạo có bằng chính năng lực và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân hay không. Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên xuất sắc ra trường không muốn làm việc tại khu vực nhà nước vì lo ngại môi trường làm việc cạnh tranh thiếu minh bạch, không công bằng.

Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đã bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn, phải “Có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Đây là bước tiến bộ trong kiểm soát quyền lực của Đảng, góp phần ngăn chặn tham nhũng quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, ngăn chặn việc giới thiệu, ứng cử, bổ nhiệm quá nhanh chóng như thời gian qua. Quy định này được ban hành đã ngăn chặn nhiều trường hợp được nâng đỡ không trong sáng, dự kiến giới thiệu, bầu giữ các chức vụ lãnh đạo.

3. Một số giải pháp tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Đồng thời, chú trọng giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, tôn trọng danh dự, nhân cách, không chạy theo chủ nghĩa cá nhân, thực dụng trong công tác cán bộ.

Tạo cơ chế động viên, khuyến khích, đồng thời bảo vệ cán bộ, đảng viên dám đấu tranh, tố cáo các hành vi lợi dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền. Cần xem xét mở các hệ thống trực tuyến để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh hành vi chạy chức, chạy quyền tại các cơ quan, đơn vị hoặc xem xét cả các đơn thư không chính danh nhưng có cơ sở, thông tin cụ thể về hành vi chạy chức, chạy quyền để kiểm tra, xử lý.

Hai là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy định cụ thể hơn về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Bổ sung Quy định số 205-QĐ/TW theo hướng xác định rõ và đầy đủ hơn hành vi chạy chức, chạy quyền trong thực tế đời sống. Ví dụ, Khoản 6, Điều 10 nêu: “Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi”, như vậy còn chung chung, khó nhận diện hành vi chạy chức, chạy quyền trong thực tế.

Cùng với việc quy định về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ. Vì đây là khâu rất quan trọng liên quan đến công tác đánh giá, đào tạo và sử dụng cán bộ sau quy hoạch. Hiện nay, Đảng ta đã có bước tiến mới khi đã quy định thời gian tối thiểu được quy hoạch chức danh trước khi giới thiệu bổ nhiệm, đề bạt vào chức danh đó nhưng chưa quy định rõ thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc tương đương tối thiểu bao lâu để được quy hoạch giữ chức vụ cao hơn. Thực tế có người giữ chức vụ hiện tại chưa đến 1 năm đã được quy hoạch lên chức vụ cao hơn, chưa đủ thời gian để đánh giá năng lực, phẩm chất của cán bộ.

Cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng người tài, người có năng lực vượt trội vào làm việc trong các cơ quan công quyền của hệ thống chính trị; đẩy mạnh thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp công khai, minh bạch. Thực hiện dân chủ, thực chất các bước trong quy trình quy hoạch, quy trình giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tránh hình thức, khắc phục tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình, tiêu chuẩn nhưng lại không chọn đúng cán bộ có năng lực tốt.

Xây dựng và thực thi cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ bằng sự kết hợp nhiều kênh, nhiều phương pháp khác nhau: kiểm soát quyền lực bằng thể chế kết hợp với kiểm soát quyền lực bằng đạo đức, hình thành văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; kiểm soát đa chiều: trên - dưới, kiểm soát của cơ quan quyền lực với kiểm soát của dư luận xã hội. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ; bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, hình thức.

Ba là, phát huy vai trò, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu tổ chức trong công tác cán bộ. Trong thực hiện nhiệm vụ của Đảng, các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương đều quán triệt sâu sắc rằng, bất cứ người đứng đầu nào cũng không được lợi dụng quyền lực mình được giao phó, ủy quyền để mưu cầu lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và “bất cứ người lãnh đạo nào cũng không được tự đặt mình ra ngoài tổ chức, tự cho mình quyền nói và làm khác quyết định của tập thể. Cấp dưới, dù cho người đứng đầu là Ủy viên Trung ương, cũng không thể tự cho mình quyền không thi hành hoặc làm trái chỉ thị của cấp trên. Tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ”(4). Khắc phục tình trạng lạm dụng quyền lực của người đứng đầu cấp ủy hoặc núp bóng thường vụ cấp ủy quyết định vượt thẩm quyền.

Kết luận Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã xác định: “Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ. Tăng cường công tác kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả”(5).

Bốn là, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông và quần chúng nhân dân trong kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên thực thi quyền lực trong công tác cán bộ.

Giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng về công tác cán bộ; kết quả việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết các thông tin, phán ánh liên quan đến cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội chuyển đến; của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức cơ sở đảng.

Giám sát kết quả thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ theo quy định của pháp luật. Đồng thời cương quyết xử lý nghiêm các hành vi chạy chức, chạy quyền.

Người lợi dụng quyền lực là những người có chức, có quyền nên trong xử lý cần thận trọng nhưng cương quyết, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, mạnh dạn đối mặt với hành vi chạy chức, chạy quyền mới đủ sức răn đe, cảnh tỉnh; chủ động tiếp nhận và xử lý có trách nhiệm thông tin phản ánh hành vi chạy chức, chạy quyền từ các tổ chức, cá nhân và dư luận xã hội.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận: 24-10-2022; Ngày bình duyệt: 10-11-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

 

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.190.

(2) Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

(3) Báo Điện tử Chính phủ: Kiểm soát quyền lực; phòng chống hiệu quả “chạy chức, chạy quyền”. https://baochinhphu.vn/kiem-soat-quyen-luc-phong-chong-hieu-qua-chay-chuc-chay-quyen-102233663.htm. Truy cập ngày 20-10-2022.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.470.

(5) Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

TS LÊ VĂN RI

Trung tâm Thanh thiếu niên miền Trung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Bạn click vào hình sao để cho điểm bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 



Tin mới nhất

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 7


Hôm nayHôm nay : 1500

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 19897

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7128439


Mọi chi tiết xin liên hệ: Trung tâm TTN miền Trung - 226 Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ - Quảng Nam. Tel:05103.812110 - 812254 - Email: trungtamttnmientrung@gmail.com